3.1.1. Phân loại miễn, giảm hình phạt trong Bộ luật Hình sự năm 2015
Phân loại miễn, giảm hình phạt là việc chia các trường hợp miễn, giảm hình phạt thành từng nhóm khác nhau trên cơ sở những tiêu chí hay căn cứ nhất định để phục vụ mục đích nghiên cứu, giúp cho việc áp dụng có căn cứ và có ý nghĩa quan trọng trong việc phân tích sự thể hiện chế định này trong BLHS năm 2015 hiện hành, cũng như tiếp tục hoàn thiện chính sách hình sự và sửa đổi quy định của pháp luật hình sự cho bảo đảm tính công bằng, phân hóa và nhân đạo.
Nghiên cứu các trường hợp miễn, giảm hình phạt trong BLHS năm 2015 và thực tiễn xét xử cho thấy có những tiêu chí phân loại và danh mục các trường hợp như sau:
* Căn cứ vào đối tượng bị áp dụng: Miễn, giảm hình phạt trong Bộ luật hình sự 2015 bao gồm: 1) Miễn, giảm hình phạt áp dụng đối với người phạm tội; 2) Miễn, giảm hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội
- Miễn, giảm hình phạt áp dụng đối với người phạm tội: Theo đó, nhóm này bao gồm việc miễn hình phạt cho người phạm tội; giảm hình phạt đối với người phạm tội (bao gồm giảm hình phạt chung và giảm hình phạt đặc biệt) khi đáp ứng các điều kiện do luật định. Trong miễn hình phạt cho người phạm tội có miễn hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và đối với người đã thành niên phạm tội.
- Miễn, giảm hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội: Theo đó, nhóm này bao gồm việc miễn hình phạt cho pháp nhân thương mại phạm tội và giảm hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội (chỉ có giảm hình phạt chung mà không có giảm hình phạt đặc biệt) khi đáp ứng các điều kiện do luật định.
* Căn cứ vào cách thiết kế trong BLHS, Miễn, giảm hình phạt trong BLHS năm 2015 bao gồm: 1) Miễn, giảm hình phạt trong Phần chung BLHS ; 2) Miễn hình phạt trong Phần các tội phạm BLHS.
- Miễn, giảm hình phạt trong Phần chung BLHS áp dụng đối với người phạm tội và pháp nhân thương mại phạm tội khi đáp ứng những điều kiện do luật định;
- Miễn hình phạt trong Phần các tội phạm BLHS áp dụng đối với cá nhân (người) phạm tội và riêng đối với người phạm tội không tố giác tội phạm khi đáp ứng các điều kiện do luật định.
* Căn cứ vào phạm vi áp dụng, Miễn, giảm hình phạt trong BLHS năm 2015 bao gồm: 1) Miễn, giảm hình phạt áp dụng đối với tất cả các tội phạm; 2) Miễn, giảm hình phạt áp dụng đối với một số tội phạm cụ thể.
- Miễn, giảm hình phạt áp dụng đối với tất cả các tội phạm khi đáp ứng các điều kiện do luật định, đó là trường hợp miễn hình phạt chung và giảm hình phạt chung khi có tình tiết giảm nhẹ TNHS, giảm hình phạt đặc biệt đối với cá nhân người phạm tội khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS.
- Miễn, giảm hình phạt áp dụng đối với một số tội phạm cụ thể khi đáp ứng các điều kiện do luật định, đó là trường hợp miễn hình phạt cho người phạm tội không tố giác tội phạm và miễn hình phạt cho pháp nhân thương mại phạm tội trong 33 tội danh mà pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu TNHS và đáp ứng điều kiện do luật định. Riêng giảm hình phạt thì áp dụng chung cho tất cả các tội phạm khi vụ án hình sự có tình tiết giảm nhẹ TNHS.
3.1.2. Quy định về miễn hình phạt trong Bộ luật Hình sự năm 2015
BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 đều quy định miễn hình phạt trong Phần chung (hiện nay là Phần những quy định chung) và Phần các tội phạm với nhiều tiêu chí khác nhau. BLHS năm 2015 có bổ sung thêm đối tượng được miễn hình phạt là pháp nhân thương mại phạm tội.
a. Quy định về miễn hình phạt trong Phần chung BLHS
Phần chung BLHS năm 2015 quy định các trường hợp miễn hình phạt như sau: *Miễn hình phạt chung đối với người phạm tội (Điều 59 BLHS năm 2015)
Điều 59 BLHS năm 2015 quy định: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn TNHS...”. Từ quy định này mà có ý kiến cho rằng: Điều luật dùng liên từ và, không phải là liên từ
hoặc nên khoản 1 và khoản 2 không thể là hai trường hợp độc lập để miễn hình phạt mà miễn hình phạt theo Điều 59 BLHS chỉ xác định là 01 trường hợp miễn hình phạt, được áp dụng chung đối với người bị kết án nếu họ có đủ các điều kiện quy định ở cả khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS.
Nếu hiểu theo cách này thì BLHS năm 2015 đã thu hẹp phạm vi miễn hình phạt đối với người bị kết án theo đó ngoài các điều kiện như người bị kết án phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ TNHS, đáng được khoan hồng đặc biệt thì họ còn phải là người phạm tội lần đầu và là người giúp sức trong vụ án. Như vậy, thì việc miễn hình phạt chỉ được áp dụng đối với một đối tượng cụ thể là người phạm tội lần đầu giữ vai trò giúp sức và chỉ áp dụng đối với vụ án có đồng phạm, trong khi đó nhiều vụ án chỉ có một bị cáo thực hiện với tính chất, mức độ, nhân thân và các tình tiết khác của vụ án thể hiện việc áp dụng hình phạt đối với người thực hiện tội phạm là không cần thiết, cần phải miễn hình phạt đối với họ thì lại không được thực hiện. Điều này sẽ không đúng với tinh thần lập pháp và chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước.
Do đó, có thể có sự sai sót về mặt kỹ thuật lập pháp và cần sửa liên từ và bằng liên từ hoặc; Điều 59 BLHS phải được hiểu là có 02 trường hợp miễn hình phạt, đó là:
Một là, trường hợp miễn hình phạt nếu người bị kết án thuộc trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 54 BLHS, theo đó, các điều kiện để được miễn hình phạt bao gồm:
- Người bị kết án có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 51 BLHS; - Người bị kết án đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn TNHS.
Hai là, trường hợp miễn hình phạt nếu người bị kết án thuộc trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS, theo đó các điều kiện để người bị kết án được miễn hình phạt bao gồm:
- Người bị kết án là người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể;
- Người bị kết án đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn TNHS.
Bị cáo phạm tội lần đầu và là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Phạm tội lần đầu được hiểu là bị cáo lần đầu thực hiện hành vi phạm tội (Theo quy định hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì được coi là phạm tội lần đầu khi thuộc một trong các trường hợp: 1) Trước đó chưa phạm tội lần nào; 2) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; 3) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; 4) Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi
là không có án tích). Người giúp sức trong vụ án đồng phạm không phải là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy hay trực tiếp thực hiện tội phạm, mà người giúp sức chỉ là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm (Điều 17 BLHS năm 2015).
Người bị kết án đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn TNHS. Trong điều kiện này, lưu ý cơ sở để Tòa án coi là người phạm tội xứng đáng được khoan hồng đặc biệt, nhưng chưa đến mức được miễn TNHS là sự đánh giá và cân nhắc tổng thể, có hệ thống, đầy đủ và toàn diện của Tòa án đối với các
tình tiết mà chúng làm cho tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và
nhân thân người phạm tội giảm nhẹ đặc biệt, tạo khả năng tự cải tạo, giáo dục của bị cáo,do đó, không cần phải áp dụng bất kỳ hình phạt nào đối với bị cáo.
Vấn đề đặt ra là nếu xác định Điều 59 BLHS quy định là 02 trường hợp miễn hình phạt và khoản 2 Điều 54 là một trường hợp miễn hình phạt riêng thì có cần yêu cầu phải có các tình tiết giảm nhẹ hay không, hay chỉ cần là người phạm tội lần đầu và giữ vai trò thứ yếu trong vụ án đồng phạm, đáng được khoan hồng là có đủ điều kiện để miễn hình phạt. Do đó, BLHS cần sửa đổi, bổ sung quy định này cho rõ ràng và hợp lý hơn thì việc miễn hình phạt mới được chặt chẽ và không gây lúng túng, khó khăn cho Thẩm phán trong thực tiễn xét xử.
* Miễn hình phạt quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (khoản 4 Điều 91
BLHS năm 2015)
Khoản 4 Điều 91 BLHS năm 2015 quy định “Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc... áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa”. Theo đó, mặc dù các nhà làm luật nước ta không ghi nhận trực tiếp đây là trường hợp miễn hình phạt đối với người dưới 18 tuổi, nhưng căn cứ vào nội dung điều luật, NCS. cho rằng đây cũng là một trường hợp miễn hình phạt, nhưng là miễn hình phạt có điều kiện. Theo quy định này thì khi xét thấy việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là có hiệu quả, bảo đảm phòng ngừa thì Tòa án không áp dụng hình phạt (đồng nghĩa việc miễn hình phạt) đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, mà sẽ áp dụng biện pháp tư pháp “giáo dục tại trường giáo dưỡng”.
Mặc dù quy định tại khoản 4 Điều 91 là quy định về miễn hình phạt áp dụng đối với đối tượng đặc thù là người dưới 18 tuổi phạm tội, nhưng không phải cứ người
chưa thành niên là sẽ được áp dụng miễn hình phạt, nên nó không phải là quy định có tính cố định, bắt buộc, hay nói cách khác không phải là trường hợp miễn hình phạt về mặt lập pháp mà cũng là một hoạt động quyết định hình phạt của Tòa án trong giai đoạn xét xử. Vì vậy, nó cũng thuộc phạm vi nghiên cứu của Luận án.
Tuy nhiên, việc quy định miễn hình phạt gián tiếp cho người dưới 18 tuổi phạm tội trong cùng khoản 4 Điều 91 liên quan đến miễn TNHS đối với người dưới 18 tuổi đã không làm rõ nét trường hợp miễn hình phạt này; mặt khác, BLHS cũng không quy định rõ việc miễn hình phạt trong trường hợp này có yêu cầu điều kiện về tình tiết giảm nhẹ hay không, nên cần phải sửa đổi để làm rõ hơn về điều kiện áp dụng cũng như làm căn cứ để cơ quan thống kê đưa vào số liệu các trường hợp miễn hình phạt.
* Miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 88 BLHS năm 2015)
Đây là trường hợp miễn hình phạt quy định với pháp nhân thương mại phạm tội mới được bổ sung trong BLHS năm 2015, đáp ứng yêu cầu nguyên tắc xử lý đối với đối tượng này.
Điều 88 BLHS năm 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra”. Theo đó, có 02 điều kiện để pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt bao gồm:
- Pháp nhân thương mại phải khắc phục toàn bộ hậu quả, có nghĩa pháp nhân thương mại đã tự nguyện khắc phục toàn bộ hậu quả đã gây ra như: tiến hành, thực hiện sửa chữa tài sản đã bị hư hỏng, có các biện pháp khôi phục và trả lại nguyên trạng môi trường, cảnh quan rừng…
- Pháp nhân thương mại đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra được hiểu là pháp nhân thương mại đã tiến hành thực hiện việc bồi thường tất cả về vật chất thiệt hại về tài sản, thể chất, tinh thần… qua đó, bảo đảm quyền lợi cho Nhà nước, cơ quan, tổ chức và người bị thiệt hại.
Tuy nhiên, khác với đối tượng là cá nhân, BLHS năm 2015 vẫn chưa quy định việc pháp nhân thương mại được miễn hình phạt cũng coi như chưa có án tích như đối với người phạm tội.
b. Quy định về miễn hình phạt trong Phần các tội phạm BLHS
Cũng giống như BLHS năm 1999, BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017 có quy định một trường hợp miễn hình phạt trong Phần thứ hai - Các tội phạm đối với tội
không tố giác tội phạm (tại khoản 2 Điều 390 BLHS). Đây là trường hợp miễn hình phạt đối với người không tố giác tội phạm nếu họ đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm.
Điều 390 BLHS quy định “Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn TNHS hoặc miễn hình phạt”
Không tố giác tội phạm là việc một người biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 BLHS đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 BLHS đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác với cơ quan có thẩm quyền (nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 BLHS). Hành vi phạm tội không tố giác tội phạm luôn được thực hiện dưới hình thức không hành động. Nó có thể xảy ra trong giai đoạn tội phạm đang chuẩn bị hoặc đang được thực hiện cũng như sau khi tội phạm đã kết thúc. Người phạm tội biết rõ có tội phạm xảy ra nhưng cố ý không báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biết.
Hành vi không tố giác tội phạm tuy không trực tiếp gây ra thiệt hại, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác nhưng thể hiện thái độ không hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền phát hiện, điều tra, truy cứu tội phạm. Hành vi không tố giác một số tội phải chịu TNHS. Tuy nhiên, do tính nhân đạo của chính sách hình sự của Nhà nước Việt Nam thì trong một số trường hợp, mặc dù người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi cấu thành tội phạm và lẽ ra họ phải chịu TNHS và hình phạt về tội này nhưng do họ đã có những hành vi mang tính hướng thiện, thể hiện thái độ phản đối, không đồng tình đối với hành vi phạm tội, thể hiện bản chất con người tốt đẹp, có
ý thức trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, nhưng chỉ vì một lý do nào đó mà họ không tố giác tội phạm mà thôi, thì họ có thể được miễn hình phạt. Theo quy định tại khoản 2 Điều 390 BLHS thì điều kiện để miễn hình phạt là:
- Người phạm tội đã có hành động can ngăn tội phạm: Hành động can ngăn của người này được thể hiện bằng việc khuyên bảo, thuyết phục thậm chí răn đe hoặc có những hành động khác can ngăn người phạm tội nhằm giúp họ nhận thức đúng và từ bỏ ý định phạm tội. BLHS không quy định về kết quả của hành vi can ngăn, vì thế chỉ cần người không tố giác phạm tội đã có sự khuyên bảo, thuyết phục, can ngăn là
đủ, việc cho người không tố giác tội phạm được miễn hình phạt không phụ thuộc vào kết quả của hành động can ngăn tội phạm của họ.