Các giải pháp bảo đảm áp dụng đúng quy định về miễn, giảm hình phạt

Một phần của tài liệu MIỄN, GIẢM HÌNH PHẠT THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM (Luận án Tiến sĩ) (Trang 143 - 168)

phạt trong Bộ luật Hình sự năm 2015

4.3.1. Ban hành văn bản hướng dẫn thi hành quy định về miễn, giảm hình phạt trong Bộ luật Hình sự năm 2015

BLHS năm 2015 đã có hiệu lực pháp luật (01/01/2018), tuy nhiên, nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS do luật định (áp dụng đối với cả người và pháp nhân thương mại

phạm tội) chưa có sự hướng dẫn áp dụng thống nhất. Đối với người phạm tội thì cơ bản đã có các hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, còn đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì chưa có hướng dẫn chính thức.

a. Ban hành văn bản giải thích nội dung các tình tiết giảm nhẹ TNHS áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội

BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại phạm tội, do đó, TAND tối cao nên ban hành văn bản giải thích nội dung các tình tiết giảm nhẹ TNHS áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội tại khoản 1 Điều 84 BLHS năm 2015 như sau:

- Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm (điểm a): Nội dung tình tiết giảm nhẹ TNHS này được hiểu là trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội trong quá trình thực hiện tội phạm hoặc sau khi thực hiện tội phạm đã có hành vi không cho tác hại của tội phạm xảy ra hoặc làm giảm bớt tác hại của nó như: sau khi gây ô nhiễm môi trường đã tiến hành các biện pháp khắc phục…

- Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả (điểm b): Nội dung tình tiết giảm nhẹ TNHS này được hiểu là trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội tự nguyện và bằng nhiều cách khác nhau đền bù, bồi thường thiệt hại hoặc tiến hành khắc phục các thiệt hại do tội phạm gây ra. Giá trị giảm nhẹ TNHS phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính chất của sự thiệt hại, khả năng phục hồi nguyên trạng ban đầu, mức độ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, thời điểm bồi thường thiệt hại như: sau khi gây ô nhiễu môi trường đã chủ động tiến hành thương lượng, tiến hành bồi thường thiệt hại cho nạn nhân…

- Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn (điểm c): Nội dung tình tiết giảm nhẹ TNHS này được hiểu là trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội nhưng chưa có thiệt hại trên thực tế do hành vi đó chưa xảy ra hoặc thiệt hại xảy ra không lớn về kinh tế, tài chính. Do đó, cần được xem xét giảm nhẹ TNHS.

-Tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án (điểm d): Nội dung tình tiết giảm nhẹ TNHS này được hiểu là trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội đã tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án. Điều này thể hiện ở việc họ đã có các hành động tích cực hợp tác như cung cấp tin tức, tài liệu, bằng chứng có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện tội phạm và xử lý, giải quyết đúng đắn và nhanh chóng vụ án.

- Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội (điểm đ): Đây là tình tiết giảm nhẹ TNHS có tính chất đặc thù, chỉ áp dụng riêng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Nội dung tình tiết giảm nhẹ TNHS này được hiểu là trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội nhưng đã có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội, thể hiện tính nhân văn cao như: pháp nhân thương mại đó đang thực hiện tài trợ cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ, thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện, ủng hộ đồng bào gặp thiên tai, bão lụt… Quá trình đóng góp này có thể được ghi nhận bằng giấy khen, bằng khen, huy hiệu hoặc cũng có thể được chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức được giúp đỡ ghi nhận, xác thực.

b. Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về cách tính mức hình phạt áp dụng đối với trường hợp giảm hình phạt

Việc quy định các điều của BLHS theo khung, khoản với phạm vi áp dụng các mức hình phạt như hiện nay thể hiện tính mềm dẻo, linh hoạt, hợp lý và tính xác định tương đối của luật [89], tăng cường quyền phán quyết của Thẩm phán, nhưng chính việc trao quyền đánh giá, lựa chọn mức hình phạt cho Thẩm phán cũng dẫn đến một thực trạng là việc quyết định hình phạt, giảm hình phạt cũng có thể bị chi phối bởi ý thức chủ quan của người Thẩm phán. Vì vậy, cùng tội danh, cùng hành vi, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ TNHS..., mọi yếu tố là như nhau nhưng việc giảm nhẹ lại có mức độ khác nhau dẫn đến quyết định hình phạt khác nhau ở những vụ án khác nhau khi được xét xử bởi các Thẩm phán khác nhau. Từ thực tiễn xét xử cho thấy cần thiết có hướng dẫn cụ thể về cách tính mức hình phạt đối với trường hợp giảm hình phạt. Đây là một nội dung quan trọng để bảo đảm vừa phân hóa tối đa TNHS, vừa bảo đảm công bằng, nhân đạo và tạo tiền đề cho việc giáo dục, cải tạo người phạm tội.

Vì vậy, từ thực tiễn công tác, NCS. đề xuất phương pháp để tính mức hình phạt đối với người phạm tội như sau: Chúng ta lấy mức trung bình của khung hình phạt là điểm mốc. Nếu người phạm tội không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS thì mức hình phạt được áp dụng nên ở điểm mốc - phạm vi giữa của khung hình phạt, hay nói cách khác là mức hình phạt trung bình của khung hình phạt. Từ điểm mốc này, chúng ta sẽ cân nhắc tăng lên (về phía mức cao nhất) hay giảm đi (về phía mức thấp nhất) của khung hình phạt tùy thuộc vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và các tình tiết định khung của khung hình phạt được áp dụng.

Ví dụ: Khoản 3 Điều 173 BLHS năm 2015 quy định: Người nào trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hoặc “lợi dụng thiên tai,

dịch bệnh để phạm tội” thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Như vậy, chúng ta sẽ chia khung hình phạt thành các mức như sau:

- Mức hình phạt 1: từ 07 đến 09 năm tù;

- Mức hình phạt 2: từ 09 đến 12 năm tù (đây được gọi là mức trung bình - điểm mốc);

- Mức hình phạt 3: từ 12 đến 15 năm tù.

Trong trường hợp A. lợi dụng dịch bệnh để trộm cắp tài sản trị giá 50 triệu (mà không có yếu tố định khung khác) thì điểm mốc để xác định hình phạt sẽ là từ 09 đến 12 năm. Căn cứ vào tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và các yếu tố khác mà Tòa án xem xét tăng lên hay giảm đi so với mốc hình phạt 09-12 năm này. Nếu trường hợp A phạm tội do có tình tiết định khung là giá trị tài sản chiếm đoạt, thì cần phải xem xét giá trị tài sản chiếm đoạt là bao nhiêu, sau đó so sánh với giá trị tài sản chiếm đoạt được quy định thành tình tiết định khung của điều luật thì mới tính ra được điểm mốc xác định hình phạt. Cụ thể, nếu A. trộm cắp tài sản trị giá 300 triệu đồng thuộc trường hợp phạm tội theo quy định tại khoản 3 Điều 173 BLHS năm 2015 thì chúng ta sẽ có cách tính mức hình phạt áp dụng đối với A như sau:

Bước 1: Xác định giá trị tài sản mà A chiếm đoạt. Trong ví dụ này, số tiền A. chiếm đoạt là 300 triệu đồng được xác định nằm ở mức giữa của tình tiết định khung - Khoản 3 Điều 173 BLHS (mức 1 từ 200 - 300 triệu; mức 2 từ 300 - 400 triệu; mức 3 từ 400 - 500 triệu);

Bước 2: Xác định mức trung bình của khung hình phạt và mức hình phạt đối với A nếu không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS và tình tiết định khung khác. Trong trường hợp này, mức hình phạt sẽ nằm trong khoảng từ 09 đến 12 năm tù;

Bước 3: Xác định tình tiết tăng nặng giảm nhẹ để tăng lên hay giảm đi mức độ hình phạt. Giả sử A. có một tình tiết giảm nhẹ là khai báo thành khẩn, không có tình tiết tăng nặng. Tòa án có thể xử phạt A. mức hình phạt 08 - 09 năm tù là phù hợp.

Khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ TNHS để quyết định giảm hình phạt cho người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội thì cần lưu ý các tình tiết giảm nhẹ TNHS đã được BLHS quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Ví dụ: D. bị truy cứu TNHS về tội phản bội Tổ quốc. D. có 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và cơ quan tiến hành tố tụng đã sử dụng làm tình tiết để định khung, truy cứu D. theo khoản 2 Điều 108 BLHS [66] thì Tòa án không được sử dụng 02 tình tiết giảm nhẹ này để tiếp tục giảm nhẹ hình phạt cho D.

c. Ban hành văn bản hướng dẫn về đánh giá mức độ giảm nhẹ của các tình tiết giảm nhẹ TNHS và trường hợp miễn, giảm hình phạt khi vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ TNHS

Điều 51 BLHS quy định 22 tình tiết giảm nhẹ đối với người phạm tội. Điều 84 BLHS quy định 05 tình tiết giảm nhẹ TNHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Tuy nhiên, không có quy định và văn bản hướng dẫn nào xác định mức giảm nhẹ hình phạt của các tình tiết giảm nhẹ trên, liệu có phải tất cả các tình tiết giảm nhẹ đều được hưởng mức độ khoan hồng (giảm nhẹ hình phạt) như nhau.

Qua nghiên cứu thực tiễn, trên cơ sở lý luận về miễn, giảm và quy định của một số nước trên thế giới như đã nêu ở Chương 2, Chương 3 Luận án, NCS. thấy rằng không phải tình tiết giảm nhẹ nào cũng được hưởng mức độ giảm nhẹ như nhau và mức độ giảm nhẹ của một tình tiết cũng không như nhau ở tất cả các vụ án. Theo NCS. phải coi các tình tiết giảm nhẹ TNHS có ý nghĩa làm giảm đi đáng kể tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi; thể hiện rõ ý thức hối cải, khả năng tự giáo dục, cải tạo của người phạm tội; và các tình tiết có ý nghĩa to lớn trong việc hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhanh chóng, chính xác vụ án, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm là những tình tiết căn bản, có giá trị giảm nhẹ cao nhất. NCS. đồng quan điểm với cách quy định của BLHS Nga coi các tình tiết giảm nhẹ như tự thú; tích cực giúp đỡ việc khám phá, điều tra tội phạm, vạch trần và truy tố đồng phạm, truy tìm tài sản do phạm tội mà có; và cấp cứu và giúp đỡ người bị hại ngay sau khi tội phạm thực hiện, tự nguyện bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần do tội phạm gây ra, các hành động khác nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người bị hại, là những tình tiết giảm nhẹ căn bản nhất, có giá trị giảm nhẹ cao hơn các tình tiết giảm nhẹ khác.

Mặt khác, khi xem xét mức độ giảm nhẹ của một tình tiết thì phải căn cứ vào từng vụ án cụ thể để đánh giá. Ví dụ: trong các vụ án liên quan đến tội chiếm đoạt tài sản thì tình tiết bồi thường thiệt hại phải là tình tiết có giá trị giảm nhẹ cao nhất, nhưng trong các vụ án về xâm phạm về danh dự, nhân phẩm thì tình tiết như tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải lại được đánh giá có mức độ giảm nhẹ cao hơn. Hoặc ở những vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng có mức hình phạt cao nhất là tử hình thì về nguyên tắc không phải cứ có tình tiết giảm nhẹ là được giảm nhẹ nếu tính chất hành vi là cực kỳ nguy hiểm và bị cáo không đáng được khoan hồng. Thực tiễn có nhiều vụ án giết người, mua bán trái phép chất ma túy, mặc dù bị cáo có tình tiết giảm nhẹ nhưng với tính chất, mức độ cực kỳ nguy hiểm của bị cáo thì Tòa án vẫn tuyên mức hình phạt cao nhất là tử hình, mà không giảm nhẹ.

Đối với các trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ, vừa có tình tiết tăng nặng TNHS thì Tòa án cũng phải cân nhắc mức độ để đối trừ, có một mức hình phạt giảm nhẹ phù hợp. Nếu số lượng tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ TNHS là như nhau và ý nghĩa tác động của các tình tiết này cũng như nhau thì Tòa án không giảm nhẹ cho người phạm tội.

4.3.2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hình sự nói chung, các quy định về miễn, giảm hình phạt nói riêng

Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật hình sự nói chung, các quy định về miễn, giảm hình phạt nói riêng là hoạt động giải thích, tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp dân cư, mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội biết được, ý thức và tuân thủ thực hiện theo các quy định của pháp luật hình sự và các quy định liên quan đến chính sách nhân đạo, quy định về miễn, giảm hình phạt. Bởi lẽ, cùng với việc phân loại tội phạm, các nhà làm luật Việt Nam cũng đồng thời phân hóa các trường hợp phạm tội trong BLHS để đối với các đối tượng phạm tội khác nhau để có đường lối xử lý nhanh chóng, chính xác, công bằng đối với các trường hợp phạm tội và chủ thể của tội phạm (người và pháp nhân thương mại phạm tội). Do đó, trong xã hội khi một người đang hoặc đã thực hiện tội phạm, nếu được thông tin tuyên truyền và giáo dục sẽ có tác dụng rất lớn trong việc động viên, khuyến khích họ nhận ra sai lầm, tự nguyện sửa chữa, lập công chuộc tội, tự thú, chứng tỏ khả năng giáo dục, cải tạo nhanh chóng, hòa nhập với cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội, và do đó, việc miễn, giảm hình phạt cho họ là rất cần thiết và trở nên có ý nghĩa thiết thực. Ngoài ra, đối với pháp nhân thương mại, nếu thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, tự nguyện khắc phục hậu quả, ngăn chặn hậu quả... thì sẽ được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước. Do đó, nếu chúng ta làm tốt và thực hiện một cách nghiêm chỉnh và đồng bộ các công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân, đến cả những người thực hiện tội phạm, đang bỏ trốn hoặc đang bị truy nã... thì đây cũng chính là một trong những biện pháp góp phần ngăn chặn những hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ xảy ra, đồng thời nó cũng cho phép họ thành thật khai báo, ra tự thú, tố giác đồng bọn... sẽ được giảm nhẹ hay có thể không phải chịu TNHS, có thể được miễn hình phạt. Bên cạnh đó, khi tuyên truyền, phổ biến cũng cần thể hiện rõ nguyên tắc xử lý trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta thể hiện trong BLHS (Điều 3). Đặc biệt, hướng dẫn các thói quen ứng xử tích cực tuân theo pháp luật, bồi dưỡng tình cảm, tâm lý pháp luật về việc tôn trọng pháp luật, tôn trọng quy tắc chung của cuộc sống, giữ gìn và bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội,

bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức và công dân. Đặc biệt, tuyên truyền, phổ biến và quán triệt và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân” và Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Bởi vì, “một xã hội có kỷ cương, kỷ luật phải được xây

Một phần của tài liệu MIỄN, GIẢM HÌNH PHẠT THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM (Luận án Tiến sĩ) (Trang 143 - 168)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w