Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy, quy chế pháp lý hiện tại đối với Khu công nghệ cao hiện thời chưa có sự tương thích với nhu cầu hoạt động, quy mô và khả năng phát triển của Khu Công nghệ này, đặc biệt là đối với Khu công nghệ cao TP.HCM đầy năng động. Đặc biệt hơn, quy chế pháp lý đối với hoạt động của Khu công nghệ ở Việt Nam nói chung chưa thật sự là nền tảng pháp lý vững chắc làm bệ phóng cho các hoạt động của Khu. Thậm chí, quy chế pháp lý về Khu công nghệ cao không những chưa thật sự tiếp cận với mô hình hoạt động phổ quát và hiệu quả như các Khu công nghệ - khoa học tiêu biểu của thế giới mà còn có những nội dung quy định biệt lập và khác biệt giữa các Khu công nghệ cao cấp quốc gia đang hoạt động hiện nay. Điều này, được nhiên là một lực cản rất lớn đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Khu, đặc biệt là Khu Công nghệ cao TP.HCM – đối tượng nghiên cứu thực nghiệm của đề tài.
Từ góc độ tiếp cận này, đề tài đã triển khai theo cấu trúc 4 chương chính với các kết quả nghiên cứu được tóm lược như sau.
Trong chương 1, luận án giới thiệu tổng quan vấn đề nghiên cứu và cơ sở lý thuyết của đề tài.
Chương 2 của luận án giới thiệu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Khu công nghệ cao. Trên cơ sở nhận định Khu công nghệ cao là một thực thể kinh tế và là nhân tố cho sự phát triển của nền kinh tế - nền kinh tế tri thức, cơ sở kinh tế chính là cơ sở đầu tiên cho sự xuất hiện của Khu công nghệ cao. Nội dung phân tích đã chỉ ra (i) tầm quan trọng của công nghệ và tăng trưởng, (ii) nhu cầu phát triển kinh tế thi thức và (iii) sự cần thiết phải triển khai NIS và RIS. Trong đó, chức năng tạo sự kết nối hình thành nên các cụm (cluster) và hệ sinh thái sáng tạo, khởi nghiệp. Đáng nói, với chức năng đặc thù tạo nhằm tạo không gian và môi trường cho hoạt động khoa học, thí nghiệm, thử nghiệm và sản xuất ứng dụng kết quả nghiên cứu, việc tạo dựng các Khu công nghệ cao biệt lập là mô hình cần thiết, và vì vậy là xu hướng lựa chọn trên thực tiễn phát triển toàn cầu.
Tiếp tục với góc độ tiếp cận về mặt kinh tế của Khu công nghệ cao, luận án phân tích cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước về mặt kinh tế. Nội dung phân tích đặc biệt phân biệt giữa chức năng kinh tế của nhà nước và chức năng quản lý của nhà nước về mặt kinh tế. Tiếp đến, luận án phân tích cơ sở pháp lý cho việc ghi nhận quy chế pháp lý hiệu quả cho tổ chức và hoạt động của Khu công nghệ cao cũng như Ban quản lý Khu công nghệ cao. Cơ sở pháp lý cho góc độ tiếp cận này gồm (i) nguyên tắc kỹ thuật trong quản lý nhà nước, (ii) cơ sơ pháp lý cho việc phân cấp quản lý, và (iii) cơ sở pháp lý nhằm trao quyền tự quyết cho các đơn vị cơ sở với hàm ý là Khu công nghệ cao.
Nội dung thực tiễn này được minh họa rõ ràng hơn qua nội dung phân tích chi tiết tại chương 3. Từ kinh nghiệm xây dựng và phát triển hiệu quả mô hình STP tại hai nền kinh tế tiêu biểu là Singapore và Hàn quốc, nội dung trình bày đã cho thấy bối cảnh chính sách của hai quốc gia về phát triển khoa học - công nghệ cũng như chủ trương và chiến lược xây dựng STP. Chính thực tiễn hoạt động của DaeDeok Innopolis (Hàn Quốc) và Onenorth (Singapore) được giới thiệu tại chương này của luận án đã phản ánh điều này.
Cuối cùng, chương 4 dành toàn bộ dung lượng cho việc phân tích chủ trương phát triển khoa học - công nghệ và phát triển nền kinh tế thâm dụng tri thức của Việt Nam, thực trạng hoạt động của các Khu công nghệ cao quốc gia, thực trạng pháp luật và đặc biệt là các đề xuất cho việc xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động hiểu quả cho Khu công nghệ cao quốc gia.
Trên cơ sở các định hướng hoàn thiện khung pháp lý về tổ chức và hoạt động của Khu công nghệ cao, nội dung trình bày tại chương này đã đi đến giới thiệu các đề xuất cụ thể với hai nhóm chính:
Một, đề xuất nhằm hoàn thiện quy chế pháp lý về hoạt động của Khu công nghệ.