Trong chương 3, nghiên cứu đã trình bày một số kết quả chính sau:
- Thiết lập hệ thống thí nghiệm đo các phản lực động lực của hệ thống treo. Thiết bị đo theo thời gian thực, đồng thời 5 thành phần lực tại các gối treo, gối đỡ hệ thống treo lồng giặt, độ phân giải 0.68 N; Đo theo thời gian thực đồng thời dịch chuyển theo hai phương của lồng giặt và gia tốc tại 04 điểm theo yêu cầu bất kỳ, độ phân giải 0.0015 mm (dịch chuyển) và 0.029 mm/s2 (gia tốc), sai số của gia tốc kế ±5%; Dữ liệu đo được ghi nhận và lưu trữ theo thời gian thực, xử lý và hiển thị trên máy tính.
- Xác định được giá trị phản lực động lực tại các điểm nối lò xo và thiết bị giảm chấn với vỏ máy theo phương thẳng đứng, giá trị chuyển dịch, gia tốc tại một điểm trên lồng chứa theo các tốc độ quay đặt sẵn.
- Dựa trên dữ liệu đo rung động hệ thống treo từ thực nghiệm đánh giá, kiểm chứng mô hình động lực của máy giặt được xây dựng trong chương 2. Kết quả nhận được khẳng định tính đúng đắn và độ tin cậy của mô hình toán xây dựng. Từ đó đưa ra kết luận về phạm vi ứng dụng của các mô hình động lực hệ thống treo đã xây dựng.
Từ việc khẳng định tính chính xác, độ tin cậy của các mô hình toán đã xây dựng, phần tiếp theo của nghiên cứu tiến hành đánh giá ảnh hưởng các thông số hệ thống, đề xuất các giải pháp cải tiến hệ thống treo theo hướng giảm rung động cho vỏ máy giặt.
CHƯƠNG 4
ẢNH HƯỞNG CỦA MỘT SỐ THÔNG SỐ HỆ THỐNG TREO ĐẾN RUNG ĐỘNG CỦA THÂN VỎ MÁY GIẶT LỒNG NGANG
Trong phần này, luận án tập trung đánh giá ảnh hưởng của một số thông số hệ thống treo như vị trí kết nối của thiết bị giảm chấn với vỏ máy, số lượng giảm chấn đến rung động của vỏ máy dựa trên kết quả tính toán số ứng với mô hình động lực học phẳng tổng quát (ba bậc tự do) của máy giặt đã xây dựng được trong chương 3. Từ kết quả nhận được đề xuất phương án giảm rung cho máy giặt.