Ở Việt Nam, những công cụ cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách và quy hoạch ít nhiều đã được áp dụng trong lĩnh vực phát triển bền vững, GNRRTT và thích ứng với BĐKH. Những công cụ được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây bao gồm kịch bản BĐKH và nước biển dâng, những kịch bản phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm, chiến lược ngành, và các chương trình hành động cụ thể. Đây là những cơ sở quan trọng cho việc ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.
Để có thể nhìn nhận đánh giá cho tương lai, xây dựng kịch bản đã trở thành một công cụ nghiên cứu hiện nay cả trong khoa học tự nhiên và trong các ngành khoa học xã hội (IPCC, 2012 trang 462). Kịch bản có thể được xây dựng dựa trên quy mô không gian (ví dụ như trên quy mô toàn cầu, quốc gia và địa phương) và thời gian khác nhau (ví dụ, từ một vài năm đến vài thập kỷ hoặc thế kỷ).
Việt Nam đã xây dựng kịch bản BĐKH và nước biển dâng để phục vụ cho vấn đề nghiên cứu và hoạch định chính sách. Xây dựng lần thứ nhất năm 2009 (Bộ TN&MT, 2009) và được cập nhật năm 2011, Kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Việt Nam được phân tích với độ chi tiết đến cấp tỉnh và các khu vực ven biển, đặc biệt là đã bổ sung một số yếu tố cực trị khí hậu, phục vụ cho công tác tính toán thiết kế và quy hoạch (Bộ TN&MT, 2011).
8.6.2.1. Cải thiện công cụ phân tích và mô hình hóa
Có thể sử dụng các công cụ khác nhau để xây dựng và ban hành các chính sách môi trường và khí hậu, trong những công cụ đó, mô hình kinh tế - năng lượng - môi trường có thể đưa ra dự báo dài hạn khi xem xét xu thế dân cư, công nghệ và kinh tế nhưng phần lớn những mô hình này đều ở phạm vi không gian và thời gian nhất định mà không giải quyết được những thiên tai hoặc hiện tượng khí hậu cực đoan cụ thể (IPCC, 2012 trang 464). Việt Nam đã sử dụng một số công cụ để thiết kế các chính sách môi trường và khí hậu như quy định về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với mục đích đưa ra giải pháp giảm nhẹ những tác động có hại của các hoạt động phát triển đến môi trường và những quy định này đều được thể hiện trong Luật Môi trường (Quốc hội, 2014). Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT, 2011b) đã tổng kết và xây dựng “Hướng dẫn thực hiện Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) trong lập Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”, bao gồm hướng dẫn bổ sung về việc lồng ghép các vấn đề BĐKH vào trong đánh giá môi trường chiến lược.
Hiện trạng lồng ghép QLRRTT và thích ứng BĐKH vào các kế hoạch và chính sách ở Việt Nam đã được miêu tả trong Chương 6, mục 6.3.1. Một loạt các công cụ về chính sách liên quan đến
333 phát triển bền vững và BĐKH đang được xây dựng và hoàn thiện, đặc biệt là tích hợp BĐKH trong chính sách phát triển và được hướng dẫn trong Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (Bộ TN&MT, 2008). Kỹ thuật tích hợp được áp dụng kỹ thuật Đánh giá môi trường chiến lược và Đánh giá tính bền vững (Vũ Tuấn Anh và nnk, 2011) trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia cũng như tại địa phương (Trần Thục, 2012).
Một số các bộ ngành đã chủ động tích hợp vấn đề BĐKH vào trong hoạt động sản xuất của mình, như Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2050 (Bộ NN&PTNT, 2011) và xây dựng tài liệu hướng dẫn lồng ghép GNRRTT và thích ứng với BĐKH cho các địa phương như Yên Bái và Lào Cai (MARD and FAO, 2012) và tài liệu kỹ thuật về Quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH (MARD và FAO, 2012). Những công cụ lồng ghép này cũng được các tổ chức phát triển áp dụng như Oxfam, Chữ Thập đỏ (CARE, 2009; CCWG, 2010). Ngoài ra, tài liệu kỹ thuật về Quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH (MARD và UNDP, 2012) và hướng dẫn kỹ thuật giám sát carbon rừng có sự tham gia trong khuôn khổ Chương trình UN-REDD Việt Nam (MARD-REDD, 2011) cũng được xây dựng.
Một loạt tài liệu hướng dẫn cho địa phương được xây dựng nhằm lồng ghép GNRRTT vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long (ADPC, 2010a; ADPC, 2010b). Đồng thời các chiến lược thích ứng cho sinh kế ven biển chịu nhiều rủi ro nhất do tác động của BĐKH ở miền Trung Việt Nam cũng đã được xây dựng (Bộ TN&MT, 2010).
Ở Việt Nam, năm 2004 khi ban hành Định hướng phát triển bền vững của Việt Nam, nhiều nghiên cứu về bộ chỉ tiêu về phát triển bền vững đã được thực hiện (Lê Anh Sơn và Nguyễn Công Mỹ, 2006), chủ yếu dựa trên nghiên cứu của Hội đồng phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (United Nations, 1996, 2001, 2007). Bộ chỉ tiêu phát triển bền vững cho quốc gia đã được thông qua và được ban hành kèm theo Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Chính phủ Việt Nam, 2012a), và cho địa phương trong Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá phát triển bền vững địa phương giai đoạn 2013-2020 (Chính phủ Việt Nam, 2013d), đặc biệt nhấn mạnh tới thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đảm bảo phát triển nền kinh tế theo hướng các bon thấp đồng thời giảm nhẹ tác động và ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai. Cụ thể chỉ tiêu GDP xanh (bắt đầu thực hiện từ 2015), với khía cạnh hoạch toán những chi phí ô nhiễm và thiệt hại do thiên tai trong hệ thống tài khoản quốc gia và các phương pháp tính toán GDP xanh thống nhất cho toàn quốc đang trong quá trình xây dựng và áp dụng thử nghiệm (CIEM, 2012). Đối với cấp độ địa phương, chỉ tiêu phát triển bền vững địa phương cũng đang được đề xuất áp dụng, đặc biệt là chỉ tiêu số 26 về “Số vụ thiên tai và mức độ thiệt hại” nhằm cung cấp thêm số liệu để tính toán GDP xanh tại địa phương.
Việt Nam đã xây dựng và ban hành “Tiêu chí đánh giá dự án ưu tiên theo Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH” (Chính phủ Việt Nam, 2011c). Các bộ chỉ tiêu liên quan đến chính sách ứng phó với BĐKH và QLRRTT thường được lồng ghép vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hay môi trường, đặc biệt là các bộ chỉ tiêu sau: (i). Các chỉ tiêu giám sát và đánh giá PTBV Việt Nam giai đoạn 2011-2020 bao gồm 30 chỉ tiêu (2012); (ii). Hệ thống Chỉ tiêu Thống kê Quốc gia (NSIS) với 24 nhóm và 274 chỉ tiêu bao trùm các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường (2005); (iii). Bộ chỉ tiêu giám sát ngành lâm nghiệp (FORMIS) và điều tra rừng (2006); (iv). Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành tài nguyên và môi trường gồm 231 chỉ tiêu (2007) và các hệ thống chỉ tiêu/chỉ thị khác. Những chỉ số/chỉ tiêu này là cơ sở dữ liệu quan trọng để đánh giá tác động của BĐKH và rủi ro thiên tai lên cách ngành, lĩnh vực, lãnh thổ cũng như đề xuất được các giải pháp ứng phó.
334
Một trong những công cụ quan trọng là xây dựng và duy trì hệ thống thông tin QLRRTT, bao gồm các cơ sở hạ tầng thông tin và CSDL về thông tin, bao gồm những trang thiết bị, phần mềm quản lý và nhân lực phù hợp (Xem Chương 6, mục 6.5.1). Những thông tin này đặc biệt hữu ích trong lồng ghép QLRRTT trong công tác lập kế hoạch phát triển bền vững của cả nước cũng như theo các vùng và địa phương.
8.6.2.2. Tiếp cận thế chế
Là một nước chịu nhiều thiên tai nên Việt Nam đã đúc kết kinh nghiệm phong phú trong phòng chống, đặc biệt kiện toàn hệ thống thể chế, tổ chức và phương tiện ứng phó. Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 đã nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trên phạm vi cả nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan thường trực, phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm giúp Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.
Một trong những đặc thù và kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam trong công tác phòng chống thiên tai là đúc kết được phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để đối phó và khắc phục hậu quả của lụt, bão (JANI, 2011). Trên thực tế, phương châm bốn tại chỗ được áp dụng trước, trong và sau thiên tai và trong công tác phòng chống giảm nhẹ thiệt hại đối với tất cả các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra tại Việt Nam như bão, lũ lụt, sạt lở đất, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, cháy rừng, v.v.
Các công cụ như bảo hiểm, tái bảo hiểm, quỹ bảo hiểm, trái phiếu thảm họa, bảo hiểm vi mô, và các cơ chế khác, chuyển rủi ro kinh tế từ một người này qua người khác và do đó cung cấp bồi thường để đổi lấy một khoản thanh toán, thường là một phí bảo hiểm (IPCC, 2012 mục 5.6.3, 6.5.3 và 7.4, và trường hợp nghiên cứu 9.2.13). Ở Việt Nam, những công cụ này mới được bắt đầu nghiên cứu, và áp dụng cho các ngành, lĩnh vực có rủi ro cao do thiên tai và BĐKH. Chính sách này đang được áp dụng thí điểm cho nông nghiệp như bảo hiểm đối với cây lúa, cà phê và một số loại vật nuôi và một số hoa màu trong bối cảnh BĐKH bằng việc Ban hành Quyết định về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 (Chính phủ Việt Nam, 2011d) (Xem Chương 6, mục 6.5.3 Chia sẻ các rủi ro chưa được giải quyết). Những công cụ tài chính áp dụng cho lĩnh vực môi trường trong thời gian qua mới chỉ dừng ở mức thành lập Quỹ Môi trường, với quy mô tương đối nhỏ (Bộ KH&ĐT, 2012b). Song song với tiến trình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang rà soát và đánh giá những nguồn lực tài chính dành cho BĐKH, đặc biệt từ các nguồn Hỗ trợ chính thức (ODA), và chi tiêu công (Bộ KH&ĐT, 2011a). Gần đây, một nghiên cứu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng thế giới và Tổ chức Phát triển Liên Hợp Quốc thực hiện về “Đánh giá đầu tư và chi tiêu công về khí hậu của Việt Nam” (MPI, World Bank and UNDP, 2014) đã phân tích những khía cạnh thể chế, chính sách và chi tiêu công của 5 bộ, 3 tỉnh và đề xuất những kiến nghị và kế hoạch hành động có liên quan.
335