7. Những đóng góp mới của Luận án
2.1.2.1. Khái niệm và một số thuật ngữ về cán bộ và chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược nói chung
bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược nói chung
- Khái niệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược nói chung
Theo Nguyễn Phú Trọng và Trần Xuân Sầm (2001), cán bộ cấp chiến lược gồm ba nhóm: (1) Nhóm cán bộ lãnh đạo chính trị quốc gia - các chính khách (2) Nhóm cán bộ quản lý ở cấp vĩ mô (3) Nhóm chuyên gia, tham mưu cấp chiến lược ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực. "Là những người cầm đầu những tổ chức quốc gia, là nhóm lãnh đạo ở tầm vĩ mô" [72, tr.37], được yêu cầu rất cao về chất lượng, có vai trò quyết định vận mệnh quốc gia; là cán bộ cao cấp, giữ chức vụ chủ chốt và có nhiệm vụ định hướng, lãnh đạo, quản lý, điều hành tổ chức sự phát triển của quốc gia.
Theo quy định của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược theo nghĩa cấp bậc, chức danh gồm đối tượng cán bộ cao cấp thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý [15]. Số này được xác định là các Ủy viên BCHTW, gồm cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; trưởng, phó các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Đảng; bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương; bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND), chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND), thành phố trực thuộc Trung ương. Theo thống kê, đến tháng 06/2017, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược Việt Nam có 610 người [24]. Như vậy, khái niệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược Việt Nam được Đảng, Nhà nước đã xác định dưới góc độ chức danh đảm nhận bao gồm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược tất cả các lĩnh vực về kinh tế, chính trị, quân sự, chuyên môn và có tiêu chuẩn cơ bản giống nhau. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là cán bộ có chức danh cao cấp, có nhiệm vụ định hướng, lãnh đạo, quản lý, điều hành quốc gia thực hiện mục tiêu kế hoạch dài hạn trong phạm vi rộng lớn trên mọi lĩnh vực. Đội ngũ này có quyền và trách nhiệm quyết định và giải quyết những vấn đề chiến lược của Nhà nước, quốc gia, dân tộc trong giai đoạn cầm quyền và thường có ảnh hưởng rất lâu dài trong lịch sử.
- Chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung: Chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý là tổng hợp những nhân tố hợp thành khả năng hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý một cách bền vững của người cán bộ.
Chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý là một phạm trù khách quan, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý trong tình hình cụ thể. Tuy nhiên, nhận biết, đánh giá chất lượng đó lại thông qua lăng kính chủ quan của người đánh giá, phản ánh quan niệm, nhận thức, mong muốn của người đánh giá theo một hệ giá trị nhất định, trong một thời điểm, hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nội hàm của khái niệm chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý có thể thay đổi theo tình hình trong cùng một cách tiếp cận, đánh giá hoặc thay đổi khi cách tiếp cận, đánh giá thay đổi. Chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được đánh giá theo một hệ giá trị tiến bộ, bằng các tiêu chuẩn và tiêu chí cụ thể cho từng đối
tượng của một tổ chức cụ thể và tiệm cận với khách quan, đạt tính chính xác khi kiểm chứng với thực tiễn bằng kết quả cụ thể. Chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Việt Nam do Đảng và Nhà nước Việt Nam quy định, đánh giá, tác động, điều chỉnh trên cơ sở hệ giá trị của Đảng theo nhiệm vụ từng thời kỳ cụ thể. Trong thời đại toàn cầu hóa, chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý phải mang tính phổ quát khi thực thi những nhiệm vụ có tính toàn cầu và mỗi nước phải xây dựng, điều chỉnh đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng thời kỳ hội nhập toàn cầu.
Theo Nguyễn Phú Trọng và Trần Xuân Sầm (2001), tiêu chuẩn chung của một cán bộ gồm 3 mặt: (1) Phẩm chất chính trị: Ý chí và lòng trung thành với sự nghiệp (2) Đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh (3) Trình độ, năng lực, khả năng hoàn hành nhiệm vụ. Ba mặt đó có quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể xem nhẹ mặt nào, trong đó, trình độ đào tạo về chuyên môn bậc cao, phẩm chất chính trị, đạo đức, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn dày dạn; năng lực lãnh đạo, quản lý, năng lực tổ chức điều hành là những yếu tố quan trọng. Tóm lại, cán bộ có hai tiêu chuẩn chính: "đức" và "tài", trong đó "đức là gốc của người cách mạng". Chất lượng đội ngũ cán bộ được cấu thành từ chất lượng của mỗi người cán bộ và tạo nên bởi nhiều nhân tố như số lượng, cơ cấu, cấu trúc bộ máy, phương thức quản lý và lãnh đạo… Các yếu tố này càng tinh gọn, hợp lý thì chất lượng mỗi cán bộ càng có điều kiện phát huy và nguồn vốn nhân lực càng lớn, đối tác tin cậy càng nhiều, tăng trưởng càng vững chắc. Ngược lại, số lượng cán bộ càng lớn, cơ cấu càng rườm rà thì cán bộ càng khó phát huy tài năng, hiệu lực hiệu quả lãnh đạo, quản lý càng yếu kém, theo đó, uy tín càng thấp, nguồn lực phát triển càng yếu.
Chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý có hai yếu tố cơ bản là phẩm chất và năng lực. Phẩm chất bao gồm tính cách, phong cách, lối sống, tư tưởng, đạo đức, uy tín. Năng lực thể hiện ở tư duy, tầm nhìn, kiến thức, kinh nghiệm; khả năng tổ chức, quản lý, điều hành công việc; khả năng phát hiện những thời cơ, vận hội, mâu thuẫn, thách thức, hạn chế, yếu kém để đề ra nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi, hiệu quả để giải quyết những mâu thuẫn, thách thức, hạn chế, yếu kém đó. Cán bộ lãnh đạo, quản lý có chức vụ càng cao thì đòi
hỏi càng phải có kiến thức sâu rộng, toàn diện không chỉ trong lĩnh vực phụ trách mà còn phải am hiểu trong cả những lĩnh vực khác, cả trong nước, quốc tế và phải biết cách dùng người, có khả năng phát huy sức mạnh tổng hợp của cán bộ dưới quyền. Phẩm chất và năng lực cán bộ có quan hệ chặt chẽ, biện chứng, đan xen nhau và quyết định lẫn nhau, trong đó, phẩm chất đạo đức là yếu tố quyết định một người cán bộ có chất lượng tốt hay xấu, tài năng là yếu tố quyết định hiệu quả công việc của người cán bộ thực hiện.
- Uy tín của cán bộ: Uy tín của cán bộ là sự tín nhiệm, tôn trọng, tin tưởng phổ biến của mọi người (cấp dưới, đối tác, người lao động, cổ đông và khách hàng, nhân dân nói chung) dành cho một cán bộ cụ thể hoặc bộ máy cán bộ của một tổ chức. Uy tín là một thước đo, phản ánh phẩm chất, năng lực, hiệu quả công tác của người lãnh đạo, quản lý. Uy tín cán bộ lãnh đạo, quản lý là một phạm trù có tính diễn tiến, nó phát triển không ngừng theo hướng tăng lên, suy giảm hay mất đi trong điều kiện cụ thể. Vì vậy, uy tín phải xây dựng thường xuyên thông qua quá trình công tác, được chứng minh bằng hành động, công việc, hiệu quả cụ thể. Lấy phiếu tín nhiệm khách quan, kết bầu cử dân chủ là các thước đo uy tín cán bộ tại thời điểm đó.
- Tiêu chuẩn chức danh cán bộ: Theo Đậu Văn Côi (2016), "Tiêu chuẩn chức danh cán bộ là mức độ những yêu cầu cốt lõi về tố chất, phẩm chất, năng lực lãnh đạo người cán bộ lãnh đạo, quản lý cần đạt được để có thể hoàn thành nhiệm vụ của chức danh được giao và làm căn cứ để đánh giá cán bộ đó" [34, tr.32]. Tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý có hai phần cơ bản: Tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức và tiêu chuẩn về tài năng lãnh đạo, quản lý. Có tiêu chuẩn chung cho tất cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và tiêu chuẩn riêng cho từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trên từng lĩnh vực, từng chức danh đảm nhận. Tiêu chuẩn LĐQLCLKT phải đảm bảo luôn cao hơn, vượt trội hơn so với tiêu chuẩn cán bộ thông thường và gắn với tài năng lãnh đạo, quản lý kinh tế quốc gia.
- Tiêu chí đánh giá cán bộ: "Tiêu chí đánh giá cán bộ là chuẩn mực, thước đo cơ bản các tố chất, phẩm chất để nhận biết, đo lường, đánh giá các tiêu chuẩn cán bộ" [34, tr.32]. Các tiêu chí được đưa ra theo hướng lượng hóa và có hệ thống, các tiêu chí được hệ thống hóa thành bộ tiêu chí. Tiêu chuẩn
của LĐQLCLKT phải được thể hiện bằng những tiêu chí kinh tế cụ thể, có thể đo đếm được. Tiêu chí LĐQLCLKT được thể hiện ở các điểm cụ thể như cán bộ đó thực hiện được cái gì, tạo ra giá trị gia tăng gì cho nền kinh tế? Có góp phần tạo ra một thể chế kinh tế dung hợp phát triển, an sinh hạnh phúc cho xã hội và môi trường đồng thuận và phát triển thịnh vượng hay không.