Chính sách đối ngoại của Nga

Một phần của tài liệu BCA246+(2) (Trang 26 - 28)

TTXVN (moscowtimes.com) - Năm 2018 sắp khép lại với nhiều sóng gió trong quan hệ của Nga với các quốc gia khác, nhất là với Mỹ và phương Tây. Giới phân tích đã đưa ra nhiều dự đoán về xu hướng chính sách đối ngoại trong năm mới của cường quốc này dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin.

Moskva muốn phủ quyết chính sách đối ngoại của Mỹ

Những mục tiêu của Nga đối với Mỹ không rõ ràng và không nhất quán. Hơn thế nữa, chúng lại không được định hình theo cách để có thể đạt được theo phương thức ngoại giao truyền thống. Thay vào đó, Nga đang tìm cách xóa bỏ trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu và đảm bảo quyền phủ quyết với mọi hành động của Mỹ ở nước ngoài.

Lo ngại của Điện Kremlin về nguy cơ “sụp đổ vì áp lực của Mỹ” đã khiến họ có một loạt hành động cứng rắn và không khoan nhượng. Cách tiếp cận “được ăn cả ngã về không, và mọi thứ đều có liên quan” đã cản trở ngành ngoại giao Nga, hạn chế khả năng của quốc gia này trong việc kiềm chế và chờ đợi thời cơ thuận lợi hơn trong xử lý quan hệ với Washington.

Trong năm 2019, Moskva sẽ tập trung vào các hội nghị thượng đỉnh, và tiêu điểm là việc Tổng thống Putin được mời tới Washington và Tổng thống Donald Trump được mời tới Moskva sau đó. Đối với Nga, cách duy nhất để tác động tới chính sách của Mỹ là thông qua “quân bài” Trump, tận dụng sự thiếu kinh nghiệm và bốc đồng của nhà lãnh đạo này.

Ưu tiên hàng đầu của Nga là bảo toàn cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân, vốn đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ quyết định rút khỏi Hiệp ước phòng thủ các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) của Tổng thống Trump và những hoài nghi của người đứng đầu Nhà Trắng trong việc gia hạn Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) sau năm 2021. Nga có thể sẽ phải chấp nhận kế hoạch mà cố vấn an ninh

quốc gia Mỹ đề ra là xây dựng một hiệp ước hạt nhân mang tính biểu tượng (như Hiệp ước Moskva 2002) không giới hạn các lựa chọn triển khai. Tin tốt là Quốc hội với Hạ viện thuộc và đảng Dân chủ rất có thể sẽ không ủng hộ kế hoạch củng cố năng lực hạt nhân của Tổng thống Trump.

Liệu Nga có thể thuyết phục Liên minh châu Âu dỡ bỏ trừng phạt?

Tổng thống Putin chắc chắn sẽ tiếp tục lôi kéo các nhà lãnh đạo EU vốn có lập trường mềm mỏng hơn về các đòn trừng phạt đối với Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea hồi năm 2014. Giới học giả chỉ ra rằng Kremlin đang hợp tác với các chính đảng “ngoài rìa” trên khắp châu Âu, kể cả cực tả và cực hữu. Chẳng hạn, Nga có quan hệ với đảng Sự thay thế cho nước Đức và cả Die Linke, hai chính đảng có mục tiêu cải thiện quan hệ với Nga. Chiến lược này cũng được áp dụng với giới lãnh đạo EU. Thực tế đây là một chiến lược thực dụng và nhiều khả năng Moskva sẽ vẫn theo đuổi nó trong năm tới.

Việc Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ rời chính trường Đức không thực sự là cơ hội với Moskva. Merkel hiểu rõ Putin và hai nhà lãnh đạo này có mối quan hệ với nền tảng nhất định, dù còn nhiều bất đồng và mâu thuẫn. Tất cả các ứng cử viên có thể thay thế bà Merkel đều là những người chỉ trích Nga và rất khó để hình dung Nga sẽ được lợi gì từ sự thay thế quyền lực này.

Câu hỏi then chốt đặt ra là liệu Nga có thể thuyết phục một cường quốc châu Âu nào đó dùng quyền phủ quyết để chấm dứt các đòn trừng phạt? Điều đáng nói là khi các nước EU đe dọa dùng tới quyền phủ quyết, họ thường đang tìm cách tận dụng nó làm chiêu bài gây áp lực trong đàm phán về một vấn đề cụ thể nào đó.

Nga đã chiến thắng tại Syria, còn hòa bình thì sao?

Khi cuộc chiến tại Syria dần đi đến hồi kết, trọng trách chính của Nga là tập trung các nỗ lực để tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột này, đồng hành với tiến trình hòa bình của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, các hoạt động quân sự và ngoại giao trong khu vực của Nga hiện lại bị xem là cản lực đối với các nỗ lực ngoại giao quốc tế quy mô hơn. Nga sẽ tiếp tục duy trì chế độ cầm quyền tại Damascus. Tuy nhiên, nếu Chính quyền Bashar Assad không còn chịu áp lực từ phe đối lập, họ chắc chắn cũng sẽ không còn động lực thúc đẩy cải cách, và khi đó Nga sẽ trở thành đối tượng bị chỉ trích.

Trong năm 2019, Moskva cần tăng gấp đôi các nỗ lực tái thiết Syria. Với khả năng hạn chế, Nga cần phối hợp với cộng đồng quốc tế, trước hết là với EU, để giải tỏa các quỹ tái thiết, một nhiệm vụ không đơn giản nếu Chính quyền Syria còn dè dặt cải tổ.

Cuộc chiến gần khép lại cũng là lúc cuộc cạnh tranh quyền lực thời hậu chiến tại Syria bắt đầu. Nga cần tìm cách cân bằng giữa những lo ngại của các đối tác như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Sẽ có những mâu thuẫn với Mỹ và Moskva cần nỗ lực hơn nữa để ngăn xung đột giữa Iran và Israel trầm trọng hơn.

Chưa ai dám chắc về mối quan hệ Nga-Ukraine trong năm tới

Sự kiện then chốt sẽ là cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraine vào tháng 3/2019, và Nga khó có thể trông chờ vào sự lên ngôi của một nhân vật thân Nga. Tuy nhiên, bầu cử

Quốc hội vào tháng 10 sau đó lại là một câu chuyện khác. Rất có thể những chính đảng được Nga hậu thuẫn sẽ giành được quyền lực.

Ưu tiên hàng đầu của Nga trong quan hệ với Ukraine là cuộc chiến tại phía Đông quốc gia này. Xung đột leo thang là điều khó có khả năng diễn ra song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ukraine thực tế chỉ là một phần trong mối quan hệ phức tạp và rộng lớn hơn giữa Nga và phương Tây. Kremlin không hài lòng với hiện trạng tại Ukraine song không có nhiều lựa chọn về quân sự nhất là do nguy cơ bị phương Tây trả đũa và cũng do những hạn chế về tình hình kinh tế trong nước.

Hiện đại hóa, thay vì quân sự hóa, Bắc Cực

Nhiều phần lãnh thổ Nga thuộc vùng Bắc Cực, đồng nghĩa với việc đây không chỉ là khu vực gắn liền với những lo ngại đối nội của Nga mà còn là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Moskva có hai mục tiêu chính trong khu vực. Thứ nhất là đảm bảo nguồn đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và kinh tế của Bắc Cực. Và thứ hai là hiện đại hóa sự hiện diện của quân đội để bảo vệ các khoản đầu tư tại đây, đồng thời đối trọng các tham vọng của Mỹ và NATO.

Phát triển kinh tế tại Bắc Cực thông qua các tuyến đường thủ hoặc các dự án khí đốt và dầu mỏ không phải là điều đơn giản do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hạ tầng cơ sở nghèo nàn và diện tích quá rộng lớn. Chỉ có thời gian và tài chính mới có thể có câu trả lời cho những vấn đề này.

Hơn thế nữa, Nga ngày càng đối mặt với nhiều sự cạnh tranh và thách thức từ các quốc gia khác cũng có những mục tiêu nhất định tại Bắc Cực. Cụ thể, Moskva cần tiếp tục các cuộc đàm phán với Trung Quốc để hiểu rõ “giới hạn đỏ” của nhau. Các đòn trừng phạt của Mỹ và thực tế là Nga vẫn đang lên kế hoạch và các quy định cụ thể cho khu vực đồng nghĩa với những khó khăn chồng chất trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước tại vùng lãnh thổ đặc biệt này.

Cần một chiến lược dài hạn tại châu Phi

Khoảng 50 năm trước, các nhà lãnh đạo châu Phi chỉ có 2 lựa chọn cơ bản là chuyển hướng về phương Tây, theo chủ nghĩa tư bản hay đế quốc kiểu mới; hoặc phát triển theo xu hướng xã hội trước hết là với Moskva. Ngày nay, mục tiêu chính của Nga trong khu vực là quyết định điều mà họ có thể đem lại cho khu vực mà các khoản đầu tư của Trung Quốc hay viện trợ của phương Tây chưa thể tạo dựng.

Chưa rõ Nga có một chính sách quy mô hay chiến lược dài hạn về châu Phi hay chưa. Một số nhân tố tư nhân và thương mại có lợi ích tại châu Phi. Thông tin truyền thông gần đây cho biết các nhà thầu quân sự tư nhân của Nga đang hiện diện tại ít nhất 10 quốc gia châu Phi song tầm quan trọng của các kế hoạch này có thể đã bị thổi phồng./.

Một phần của tài liệu BCA246+(2) (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(28 trang)
w