TTXVN (Sydney 11/6) - Sangsoo Lee, nhà nghiên cứu cao cấp và là người đứng
đầu Trung tâm Hàn Quốc tại Viện Chính sách An ninh và Phát triển (ISDP) của Thụy Điển, vừa có bài viết đăng trên Diễn đàn Đông Á phân tích về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều sắp diễn ra.
Theo bài viết, quyết định mang tính chiến lược nhằm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, ít nhất về mặt hình thức, cho thấy quan điểm chính trị cởi mở và nhu cầu chia sẻ sự đồng thuận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim
Jong-un. Cả hai nhà lãnh đạo dường như đều sẵn sàng cho một cuộc đối thoại nghiêm túc về vấn đề giải trừ hạt nhân và đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những bất đồng trong đàm phán về việc diễn giải khái niệm “giải trừ hạt nhân” và “đảm bảo an ninh”.
Bình Nhưỡng tức giận khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đề nghị sử dụng “mô hình Libya” đối với Triều Tiên. Phản ứng của Triều Tiên cho thấy quốc gia này không đồng tình với mô hình giải trừ hạt nhân “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, bao gồm cả việc chuyển các đầu đạn hạt nhân ra khỏi địa phận quốc gia. Thay vào đó, Bình Nhưỡng muốn sử dụng tiến trình “hành động đổi lấy hành động”, nghĩa là các biện pháp giải trừ hạt nhân được sử dụng để đổi lấy các lợi ích cụ thể như dỡ bỏ lệnh trừng phạt, đảm bảo an ninh và bình thường hóa quan hệ. Tổng thống Trump dường như đã bỏ qua “mô hình Libya” để tự xây dựng một phương pháp tiếp cận mang thương hiệu “mô hình Trump” với rất nhiều “giao dịch”, bao gồm cả việc Triều Tiên sẽ được “thưởng” vì hành động giải trừ hạt nhân.
Hiện giờ rất khó đoán ý định thực sự của cả hai bên. Triều Tiên có thể sẽ đưa vấn đề giải trừ hạt nhân của Hàn Quốc lên bàn đàm phán, tức là loại bỏ việc triển khai cơ sở quân sự chiến lược của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên và loại bỏ hoàn toàn “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ khỏi Hàn Quốc. Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) mới đây khẳng định
quốc gia này sẽ đi con đường do họ vạch ra, theo lịch trình của họ, bất kể các quốc gia khác nói gì.
Nhiều khả năng việc thực thi bất kỳ thỏa thuận nào liên quan tới tiến trình giải trừ hạt nhân đều gắn liền với điều khoản đảm bảo an ninh cho Triều Tiên. Sự không tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên là rất lớn, vì vậy, Bình Nhưỡng cũng không thể lạc quan cho rằng Mỹ sẽ thực hiện bất kỳ lời cam kết nào để chấm dứt mối quan hệ thù địch giữa hai bên và đảm bảo an ninh cho Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng thực hiện giải trừ hạt nhân. Thậm chí, ngay cả khi hai bên đồng ý về lộ trình thực hiện, những câu hỏi hóc búa về việc triển khai nó một cách minh bạch hóa cũng khó được giải đáp.
Một số nhân tố khác cũng có khả năng làm hỏng quá trình đàm phán. Lực lượng chống đối trong nước ở cả hai bên có thể gây cản trở, chống lại bất kỳ thỏa thuận nào. Giải trừ hạt nhân và bình thường hóa quan hệ rất khó có thể được chấp nhận ở mỗi nước.
Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong tình tình này. Hành động tuyên bố hủy cuộc gặp ngày 12/6 của Trump trước đó là một tín hiệu không chỉ dành cho Bình Nhưỡng mà còn cho cả Trung Quốc. Mỹ đã rất quan tâm tới mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jung-un thực hiện 2 chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 3 và tháng 5 vừa qua. Nếu Trung Quốc sẵn sàng nới lỏng trừng phạt đối với Triều Tiên, sẽ có ít lý do để Triều Tiên phải nhượng bộ Mỹ hơn. Trung Quốc cũng sẽ không mấy sẵn sàng duy trì các biện pháp trừng phạt nếu quốc gia này tin rằng Washington có ý định “cách ly” Bắc Kinh trong quá trình đàm phán sắp tới. Nhật Bản, vốn tỏ ra hoài nghi về những gì có thể đạt được sau đàm phán Mỹ-Triều, cũng có thể sẽ đóng vai trò phá rối nếu quốc gia này cảm thấy lợi ích của mình bị bỏ qua.
Một kịch bản nghiêm trọng hơn là nếu cuộc đàm phán thất bại, đặc biệt là khi chính quyền Trump quyết định lựa chọn biện pháp quân sự hoặc trừng phạt thay thế. Tuy nhiên, chính sách gây áp lực tối đa của Trump sẽ ít tác động đến Bình Nhưỡng hơn trước đây do mối quan hệ giữa Trung-Triều và Hàn-Triều đã được cải thiện.
Trong mọi trường hợp, Bình Nhưỡng rất có thể sẽ sử dụng bất kỳ không gian chiến lược có sẵn nào giữa Mỹ với Trung Quốc, cũng như giữa Mỹ với Hàn Quốc, để không chỉ tự bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công quân sự của Mỹ, mà còn làm giảm nhẹ chế độ trừng phạt. Mặc dù vậy, một điều rõ ràng là: quá trình hướng đến mục tiêu giải trừ hạt nhân sẽ càng trở nên phức tạp hơn./.