1.Quan hệ với Mỹ
Ngày 4/12, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua thỏa thuận thương mại với Mỹ. Thỏa thuận này đã góp phần tháo gỡ khúc mắc trong quan hệ thương mại giữa hai nước đó là vấn đề thâm hụt thương mại. Về phần mình, Mỹ sẽ dỡ bỏ hoặc giảm thuế đối với một số trang thiết bị chế tạo cũng như sản phẩm công nghiệp, trong đó bao gồm các loại linh kiện điều hòa nhiệt độ, tàu hỏa của Nhật Bản. Tuy nhiên, thỏa thuận này không đề cập tới thuế
suất đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản. Tokyo chỉ nhận được cam kết bằng miệng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Washington sẽ không tăng thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản vì lý do an ninh quốc gia. Hiện Nhật Bản và Mỹ đang tiếp tục đàm phán để có một thỏa thuận thương mại toàn diện hơn.
Bên cạnh đó, một khúc mắc mới nổi lên trong thời gian gần đây giữa Nhật Bản và Mỹ đó là việc Washington yêu cầu Nhật Bản phải tăng chi phí cho các binh sĩ Mỹ đồn trú ở nước này. Đây có thể là rào cản lớn nhất trong quan hệ Nhật-Mỹ trong bối cảnh hai nước tổ chức kỷ niệm 60 năm ký kết hiệp ước an ninh vào đầu năm 2020.
2.Quan hệ với Trung Quốc
Quan hệ Nhật-Trung tiếp tục cải thiện nhờ việc tăng cường hoạt động trao đổi đoàn ở cấp cao. Vào cuối tháng 10, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã thăm Nhật Bản nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tiếp đó là chuyến thăm Nhật Bản của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào cuối tháng 11. Đáng chú ý, trong chuyến công du Trung Quốc để dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhật-Trung- Hàn, ngày 23/12, Thủ tướng Abe đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Tại cuộc gặp, các nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí cùng nhau thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.
Tuy nhiên, số vụ tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển gần quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang quản lý đã tăng mạnh so với trước đây. Trong cuộc gặp ở Bắc Kinh hôm 25/12, Thủ tướng Abe đã khẳng định với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường rằng sẽ không có bất cứ sự cải thiện thực sự nào trong quan hệ song phương nếu thiếu sự ổn định ở biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã bắt giam nhiều công dân Nhật Bản với lý do đánh cắp bí mật quốc gia của Trung Quốc
3.Quan hệ với Hàn Quốc
Quan hệ Nhật-Hàn cải thiện đáng kể. Vào cuối tháng 10, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon đã có chuyến thăm Nhật Bản và chuyển một bức thư riêng của Tổng thống Moon Jae-in tới Thủ tướng Abe tại cuộc gặp ở Tokyo vào ngày 24/10. Sau đó, Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Abe đã có cuộc đối thoại trực tiếp tại Bangkok vào ngày 4/11 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN+3.
Trong một động thái thể hiện thiện chí của Tokyo, ngày 16/11, Chính phủ Nhật Bản đã nối lại hoạt động xuất khẩu hydrogen fluoride lỏng tới Hàn Quốc lần đầu tiên kể từ khi Tokyo thắt chặt kiểm soát 3 nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc hồi tháng 7.
Hiện nay, hai nước đang tìm kiếm các biện pháp giải quyết cuộc tranh cãi về vấn đề lao động cưỡng bức – rào cản lớn nhất trong quan hệ Nhật-Hàn tại thời điểm này.
Gần đây, Seoul đề xuất thành lập quỹ cung cấp tài chính cho hoạt động hợp tác kinh tế. Một thỏa thuận như vậy sẽ cho phép các công ty Nhật Bản cấp tiền cho phía Hàn Quốc mà không mâu thuẫn với quan điểm của Tokyo rằng vấn đề bồi thường đã được giải quyết một cách dứt khoát và hoàn toàn theo hiệp định song phương năm 1965.
4. Quan hệ với Nga
Thời quan qua, Nhật Bản đang từng bước thay đổi cách tiếp cận trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nga theo hướng chuyển từ việc đòi Moskva trao trả 2
trong số 4 đảo tranh chấp sang thúc đẩy các dự án hợp tác về du lịch và môi trường trên các đảo tranh chấp để từ đó tiếp cận các đảo này. Ngày 6/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeo Mori và người đồng cấp Nga Igor Morgulov đã hội đàm tại Moskva để thảo luận về việc ký kết hiệp ước hòa bình và các hoạt động hợp tác kinh tế ở quần đảo tranh chấp. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán về vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Nga chưa có nhiều tiến triển.
5. Quan hệ với Ấn Độ
Quan hệ Nhật-Ấn đang có những bước tiến triển hết sức tích cực. Ngày 30/11, Nhật Bản và Ấn Độ tổ chức cuộc đối thoại an ninh 2+2 ở cấp bộ trưởng tại ở New Delhi theo thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo hai nước đã đạt được tại Tokyo tháng 10/2018. Tại cuộc đối thoại này, Ấn Độ và Nhật Bản đã nhất trí phản đối động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm gây sức ép để ASEAN phải đưa vào Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) các điều khoản nhằm giúp Bắc Kinh ngăn chặn các đối thủ và các quốc gia khác bên ngoài khu vực tiếp cận những vùng biển tranh chấp.