TTXVN (Paris 12/6) - Nhật báo Le Figaro của Pháp số ra ngày 11/6 có bài viết
với tựa đề “Đã không thể tìm thấy một liên minh chống Trung Quốc” của nhà bình luận Renaud Girard.
Theo bài viết, đằng sau những câu chuyện có phần hài hước trong những ngày diễn hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada từ ngày 8 - 9/6, một bi kịch lờ mờ hiện ra, ít công khai trên các phương tiện truyền thông, nhưng hậu quả thực tế lại nặng nề hơn nhiều. Đối mặt với sự lớn mạnh ngoạn mục về quyền lực công nghiệp, thương mại và quân sự của Trung Quốc, phương Tây thể hiện rằng không thể thành lập một liên minh.
Trong lịch sử quan hệ quốc tế đương đại, các liên minh luôn có mục đích nhằm “đối chọi” các tuyên bố bá quyền của một nhà nước bị mù quáng bởi sự tăng trưởng theo cấp số nhân về sức mạnh của mình. Ví dụ, những người châu Âu đã thống nhất để chống lại một nước Pháp thời Napoleon tuyên bố áp đặt luật của mình ở khắp mọi nơi, từ Madrid đến Moskva.
Điểm nổi bật của cuộc họp tại Malbaie (Canada) không phải là sự bất lực của Donald Trump trước nền ngoại giao đa phương, không phải là tuyên bố bất ngờ khiếm nhã chỉ trích Mỹ của Thủ tướng trẻ Canada (sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump đã dời Canada), và cũng không phải sự giận dữ lạnh lùng của Thủ tướng Đức.
Mà điểm nổi bật của G7 năm nay này là sự bất lực của các nhà lãnh đạo phương Tây với lý do chiến lược. Họ tranh luận về thuế liên quan những tấn thép và những xe tải sữa, nhưng không thể quay về thảo luận đối với các chủ đề khẩn cấp lớn về địa chính trị của thời điểm này (sự thù địch dai dẳng Ukraine-Nga, người Kurd ở Trung Đông, chủ nghĩa bành trướng hải quân của Trung Quốc ở biển Đông, sự trở lại của người Ba Tư tại các quốc gia văn minh, sự bế tắc của xung đột Israel-Palestine, sự bùng nổ dân số ở châu Phi, cảnh sát chống hải tặc trên các đại dương, v.v). Bị sa lầy trong những xung đột kinh tế nhỏ, châu Âu và Bắc Mỹ dường như không có khả năng nâng tầm suy nghĩ của mình đến các vấn đề chủ yếu của chiến tranh và hòa bình: mà hiện vẫn dựa vào chúng để giảm tần suất của các cuộc xung đột sắc tộc-tôn giáo trên khắp hành tinh? Tất cả diễn ra như những người phương Tây, như những đứa trẻ của một xã hội tiêu dùng, đã trở nên quá giàu có,
quá cũ, quá sợ hãi để đối mặt với những vấn đề thực sự quan trọng, mà vẫn luôn là tôn giáo, xã hội, văn hóa và tư tưởng (ý thức hệ?).
Mối bất hòa này của người phương Tây chắc chắn phải làm Tập Cận Bình vui sướng. Vị “hoàng đế mới” của Trung Quốc, đã hứa với người Trung Quốc rằng đất nước của họ sẽ trở thành cường quốc số một thế giới, đang trả thù mối sỉ nhục mà Trung Quốc phải chịu trong suốt thế kỷ XIX trước sức mạnh ngoại bang. Đúng là, để nuôi tăng trưởng, Trung Quốc có một nền tảng tư tưởng và văn hóa mạnh mẽ (tôn kính có tính tôn giáo đối với nhà nước; tính ưu việt của các nhóm dân tộc Hán trước các dân tộc khác; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, triết học Nho giáo, nhấn mạnh lợi ích cộng đồng liên quan đến các quyền cá nhân). Từ khi Trung Quốc từ bỏ học thuyết Maoist, Trung Quốc biết chính xác đâu là lợi ích của mình và làm sao để đạt được. Trung Quốc đã luôn luôn ủng hộ đối thoại trực tiếp giữa Mỹ- Triều Tiên và hội nghị thượng đỉnh Singapore ngày 12/6, giữa Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ yếu phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Bởi nếu hội nghị dẫn đến sự tái hòa nhập Triều Tiên vào các kênh thương mại thế giới, thì chính các thương nhân Trung Quốc sẽ được hưởng lợi trước.
Và cảnh báo này đã được tờ New York Times công bố từ ngày 15/8/2017, hai tác giả là cựu nhân viên tình báo Mỹ Dennis Blair và Keith Alexander đã nhấn mạnh rằng chính Tổng thống Mỹ Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên nêu ra vấn nạn về việc Trung Quốc đã lấy cắp công nghệ của Mỹ trong suốt hơn một phần tư thế kỷ. Sự lấy cắp này có giá trị từ 200-600 tỷ USD/năm tại Mỹ. Chính phủ Mỹ đã đệ đơn khiếu nại với WTO vào tháng 3/2018, ngay sau đó là trường hợp của Liên minh châu Âu (EU), cũng bị tổn hại bởi người Trung Quốc. Nhưng vấn đề của Donald Trump là ông không thể theo một vấn đề có tính kỹ thuật cho đến tận cùng. Sự cạnh tranh không lành mạnh từ Trung Quốc lẽ ra nên là chủ đề lớn của hội nghị cấp cao G7 năm nay; Như hỡi ôi, nó đã không xảy ra!
Với mong muốn tốt, Mỹ và Italy muốn đưa Nga tái hòa nhập vào G7. Nhưng các quốc gia châu Âu khác không muốn do bị ám ảnh bởi cuộc khủng hoảng Ucraine. Trump đã không quyết tâm lắm. Đâu là lợi ích khi phương Tây ném Nga vào vòng tay Trung Quốc. Trung Quốc tiếp tục đón nhận Nga (ngày 9/6) trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)? Đó là một bí ẩn không thể giải thích được. Sự chia rẽ rõ ràng của phương Tây đã làm Putin vui mừng. Nhưng Trung Quốc mới là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong dài hạn./.