4. Các nhân tố ảnh hưởng đến huy động vốn
4.1. Nhân tố khách quan
∗ Pháp luật, chính sách của Nhà nước
Mọi hoạt động kinh doanh trong đó có hoạt động Ngân hàng đều phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Có những bộ luật can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Những luật này quy định tỷ lệ huy động vốn của Ngân hàng so với vốn tự có, quy định phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, quy định mức cho vay của Ngân hàng đối với một khách hàng... Có những bộ luật tác động gián tiếp đến hoạt động Ngân hàng như luật đầu tư nước ngoài... Bên cạnh những bộ luật đó thì chính sách tài chính của một quốc gia cũng ảnh hưởng rất lớn đến nghiệp vụ huy động vốn của NHNo&PTNT. Khi nền kinh tế lạm phát cao, nhà nước có chính sách thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất tiền gửi để thu hút tiền ngoài xã hội thì lúc đó NHNo&PTNT huy động vốn dễ dàng, ngược lại khi nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất thì Ngân hàng khó huy động vốn hơn vì người có tiền nhàn rỗi họ bỏ tiền vào sản xuất có lợi hơn gửi Ngân hàng.
∗ Sự ổn định kinh tế, chính trị xã hội
Một xã hội, một nền kinh tế được đánh giá là ổn định khi nền kinh tế phát triển với một tốc độ ổn định lâu dài và duy trì qua các năm, tỷ lệ lạm phát ở mức cho phép, có thể chế chính trị ổn định, quốc gia bền vững và đảm bảo an toàn xã hội. Nền kinh tế xã hội ổn định và có hiệu quả, tích luỹ ngày càng cao. Người dân có việc làm và thu nhập ổn định, đời sống ngày càng cao. Do đó lượng tiền gửi vào Ngân hàng ngày càng cao. Nền kinh tế ở vào
thời kỳ tăng trưởng, sản xuất phát triển, tích luỹ nhiều hơn do đó tạo môi trường cho việc thu hút vốn của Ngân hàng thuận lợi. Mặt khác nó cũng tạo ra môi trường đầu tư cho Ngân hàng, từ đó Ngân hàng phải tìm ra biện pháp để huy động vốn sao cho có hiệu quả thiết thực cho hoạt động kinh doanh của mình. Khi môi trường đầu tư Ngân hàng được mở rộng thì thu nhập của Ngân hàng tăng lên tạo điều kiện cho Ngân hàng mở rộng vốn tự có của Ngân hàng.
Khi tình hình kinh tế chính trị xã hội của một nước không ổn định, tỷ lệ lạm phát cao, nền kinh tế suy thoái, thu nhập của người lao động ngày càng giảm, xu hướng người dân thường giữ ngoại tệ mạnh hoặc là hàng hoá thay cho việc gửi tiền vào Ngân hàng. Điều này gây ảnh hưởng đến nghiệp vụ huy động vốn của NHNo&PTNT. Nền kinh tế không tăng trưởng, sản xuất bị kìm hãm, lạm phát tăng làm cho môi trường đầu tư của Ngân hàng bị thu hẹp lại do sản xuất đình trệ, thua lỗ nên không doanh nghiệp nào vay vốn của Ngân hàng để sản xuất. Do đó thu nhập của Ngân hàng giảm làm cho quá trình huy động vốn của Ngân hàng gặp khó khăn. Như vậy hoạt động của NHNo&PTNT trên các địa bàn phải luôn bám sát các chương trình mục tiêu kinh tế của từng địa phương, từng vùng, nghiên cứu thăm dò thị trường. Từ đó đưa ra các giải pháp, các sản phẩm cho phù hợp để thu hút được nhiều khách hàng.
∗ Tâm lý, thói quen của người gửi tiền
Hoạt động huy động vốn của NHNo&PTNT chủ yếu được hình thành từ việc huy động các nguồn tiền tệ nhàn rỗi trong dân cư. Đây là lượng tiền nhàn rỗi chủ yếu có được do việc tiết kiệm trong tiêu dùng của dân cư, do đó công tác huy động vốn của Ngân hàng chịu ảnh hưởng rất lớn của nhân tố này. Nếu không có tiết kiệm thì sẽ không có đủ vốn đầu tư cho sản xuất và ngược lại nếu tỷ lệ tiết kiệm trong nước lớn thì làm tăng quy mô huy động vốn của Ngân hàng.
Thói quen tiêu dùng ảnh hưởng tới nghiệp vụ huy động vốn của Ngân hàng. Nếu ở những vùng dân cư quen sử dụng tiền nhàn rỗi dưới hình thức cất trữ thì việc huy động vốn của Ngân hàng gặp khó khăn. Còn khi người dân có nhu cầu hưởng lãi hoặc bảo quản tài sản thì họ gửi tiền vào Ngân hàng nhiều hơn, do đó cơ hội huy động vốn của Ngân hàng tăng lên.
Ở những nước phát triển, nhu cầu giao dịch qua Ngân hàng rất phát triển. Hầu hết người dân có thu nhập đều mở tài khoản Séc để thanh toán qua Ngân hàng. Tuy nhiên ở những nước kém phát triển, thu nhập của người dân thấp, nhu cầu giao dịch thanh toán qua Ngân hàng còn hạn chế nên ít mở tài khoản tại Ngân hàng. Có thể nói đây không phải là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng hiệu quả huy động vốn của Ngân hàng nhưng nó có giá trị là nó khiến cho gần hết tiền nhàn rỗi của dân cư luân chuyển vào Ngân hàng.
Bên cạnh đó, mức thu nhập của người dân cũng là một trong những yếu tố trực tiếp quyết định đến lượng tiền gửi vào Ngân hàng.
Như vậy về phía người gửi tiền, Ngân hàng phải quan tâm đến hai yếu tố quan trọng là thu nhập và tâm lý. Thu nhập ảnh hưởng đến số vốn tiềm tàng mà Ngân hàng có thể huy động. Còn yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến sự biến động ra vào của các nguồn tiền. Tâm lý tin tưởng vào tương lai của Ngân hàng có tác dụng làm ổn định lượng tiền gửi vào và rút ra, còn trong điều kiện nền kinh tế mất ổn định sự phổ biến của tâm lý lo lắng sẽ gây hiện tượng rút tiền hàng loạt. Nhìn chung khi nền kinh tế không ổn định, giá trị của đồng tiền thay đổi thì có xu hướng chung dân cư thường đổi ra các đồng tiền mạnh (ngoại tệ) có tính chất ổn định cao hơn thay vì đem số tiền đó gửi vào Ngân hàng.
Do vậy các NHNo&PTNT phải nắm bắt được yếu tố tâm lý của Ngân hàng, từ đó đưa ra các hình thức huy động phù hợp để thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh.