CÁC BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN THPT TỈNH CÀ MAU
3.2.2. Nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, khuyến khích tự bồi dưỡng cho đội ngũ GV THPT
Theo GS.TS Trần Bá Hoành “thuật ngữ bồi dưỡng GV chỉ việc nâng cao, hoàn thiện trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho các GV đang dạy học, là việc đào tạo lại, đổi mới, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp”. [18]
Trong quá trình tác nghiệp công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng là yêu cầu tất yếu của mọi GV vì hoạt động giảng dạy là một hoạt động sư phạm mang tính khoa học và sáng tạo cao. Nó không chỉđòi hỏi trình độ chuyên môn mà còn cả năng lực sư phạm, kinh nghiệm nghề nghiệp với nghệ thuật tổ chức, điều khiển, hướng dẫn.. giúp cho HS chiếm lĩnh tri thức một cách tích cực, sâu sắc và bền vững. Thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay đặt ra những yêu cầu mới về phẩm chất và năng lực, làm thay đổi vai trò, chức năng của người GV. Cùng với sự chuyển biến về mục tiêu, nội dung chương trình sẽ dẫn đến sự thay đổi về phương pháp dạy học. Theo đó, GV không còn đóng vai trò chính là người truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm một chiều mà là người gợi mở hướng dẫn tổ chức các hoạt động giúp cho HS tìm tòi, khám phá tri thức mới của bài học. Mặc dù vậy, đội ngũ GV vẫn đóng vai trò nòng cốt quyết định đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục. Đối với GV trẻ, tuy kiến thức được trang bị vững chắc, hiện đại nhưng thường thiếu năng lực sư phạm và chưa có kinh nghiệm giảng dạy. Đối với GV công tác lâu năm, kiến thức được trang bị trước đây có khi đã rơi rớt hoặc trở thành lạc hậu nếu không thường xuyên cập nhật. Do đó, công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng luôn luôn là một yêu cầu không thể thiếu nhằm tiếp cận tri thức, phương pháp mới, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao nghiệp vụ sư phạm.
Kết quả khảo sát về hiệu quả các hình thức bồi dưỡng GV (bảng 2.4) cho thấy hình thức bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng chính trị - chuyên môn trong hè đều được đánh giá cao. Hình thức tự bồi dưỡng cũng được hầu hết GV cho rằng đạt hiệu quả rất cao (đánh giá hiệu quả ở mức tốt và khá đến 95.7%). Mỗi hình thức bồi dưỡng đều có những thuận lợi và ưu điểm riêng của nó, các cấp quản lý giáo dục từ trường đến sở cần tăng cường, mở rộng phạm vi công tác bồi dưỡng, đặc biệt phải hết sức quan tâm đến công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức cho GV về vai trò, vị trí khẳng định bản lĩnh nghề nghiệp bằng con đường kiên trì, chủ động tự bồi dưỡng cho mình. Hình thức GV tự bồi dưỡng phổ biến nhất là tự học qua mạng, qua sách báo, tạp chí chuyên ngành, trao đổi với đồng nghiệp… Đánh giá đúng về năng lực cộng với ý thức tự vươn lên, mỗi GV sẽ tích cực tự bồi dưỡng cập nhật kiến thức, tích lũy kinh nghiệm thường xuyên hơn. Điều này chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tạo
thuận lợi cơ bản để phát huy hiệu quả của các hình thức bồi dưỡng khác. Đề cập đến nâng cao nhận thức và xây dựng động lực tự học cho đội ngũ GV, Rayja Roysigh - chuyên gia giáo dục của UNESCO cho rằng: “Tất cả các cuộc cải cách đều tùy thuộc vào ý chí muốn thay đổi của GV” [27, tr.29].
Ngoài ra để đảm bảo mọi GV THPT có thể tiếp cận và vận dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ về ngoại ngữ, tin học theo hướng thiết thực nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với chương trình giáo dục THPT mới.
Xây dựng kế hoạch tăng cường hình thức “bồi dưỡng tại chỗ” ở từng trường THPT, từng tổ, nhóm chuyên môn kết hợp với việc tổ chức hợp tác, giao lưu về chuyên môn nghiệp vụ giữa các trường, cụm trường với sự tham gia chỉ đạo chặt chẽ của phòng giáo dục trung học. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thông qua website của Sở GD&ĐT, phát hành tập san giáo dục của ngành…giới thiệu những sáng kiến, cải tiến kinh nghiệm hay những điển hình giáo viên giỏi. Tăng cường bồi dưỡng chính trị đạo đức cho đội ngũ GV nhất là lực lượng GV trẻ.