Tổng Công Ty phải có chiến lược đồng bộ cụ thể

Một phần của tài liệu Giải pháp chuyển đổi mô hình tổng công ty sang mô hình công ty mẹ- công ty con tại tổng công ty TM Sài Gòn (Trang 86 - 89)

1. TIẾN SỸ VÕ THỊ QUÝ

4.4.3 Tổng Công Ty phải có chiến lược đồng bộ cụ thể

4.4.3.1 Hoạch định chiến lược kinh doanh

Mô hình công ty mẹ – công ty con tại Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn là một đơn vị kinh tế lớn, sản xuất kinh doanh đa ngành, không thể hoạt động tùy tiện và không có chiến lược kinh doanh mang tính khả thi cao. Chiến lược kinh doanh là tổng thể các mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản dài hạn, ngắn hạn hoạt động kinh doanh của công ty mẹ – công ty con và những biện pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đó. Hoạch định chiến lược kinh doanh là nhiệm vụ trọng yếu, nếu không có chiến lược kinh doanh khả thi thì mô hình công ty mẹ – công ty con tại Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn không thể tồn tại và phát triển. Hướng tầm nhìn đúng vào trọng tâm năng lực “lõi” sẽ thấy được nền tảng của chiến lược phát triển, sự phát triển bền vững của mô hình công ty mẹ – công ty con phải dựa trên việc định vị rõ năng lực “lõi” và tay nghề chuyên môn (kiến thức, công nghệ, kinh nghiệm…). Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn phải biết tận dụng thế mạnh của riêng mình, phát huy sản phẩm chủ lực. Đồng thời đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và sản phẩm sao cho nhất quán và hài hòa. Như vậy việc hoạch định chiến lược phát triển tại Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn có ba vấn đề cốt lõi cần giải quyết (1) : Kinh doanh ngành nghề gì và trong lĩnh vực nào? ; (2) : Cần phải làm chủ năng lực lõi và tay nghề gì? ; (3) Phải tổ chức việc phân bổ các nguồn lực như thế nào?.

4.4.3.2 Chiến lược hội nhập phát triển, hợp tác quốc tế sử dụng hiệu quả thông tin quản lý và đầu tư đổi mới công nghệ

Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn phải tìm kiếm những cơ hội hợp tác quốc tế và thâm nhập thị trường nước ngoài, nhằm từng bước xây dựng liên minh chiến lược cung ứng vật tư, kĩ thuật, dịch vụ… để mở rộng thị trường, huy động nguồn vốn đầu tư, phát triển công nghệ, nhân lực. Bên cạnh đó cần phải xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 9002. v.v.. trước mắt xây dựng hệ thống ISO 9000

tại các đơn vị thành viên sản xuất như VISSAN, Cầu Tre… sau đó hoàn thiện việc xây dựng hệ thống quản lý ISO 9000 toàn Tổng Công Ty. Việc áp dụng các tiêu chuẩn được thế giới công nhận nhằm nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong nước và thuận lợi hơn trong việc thâm nhập thị trường quốc tế.

Thành tựu công nghệ thông tin là một nhu cầu không thể thiếu, là công cụ quản lý hữu hiệu. Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn cần phải chi đào tạo nhân sự và trang bị cho mảng này để có được thông tin quản lý xuyên suốt trong từng công ty con và từ công ty mẹ đến các công ty con. Thông tin là yếu tố giữ vai trò hết sức quan trọng đối với sự thành công của mô hình công ty mẹ – công ty con. Điều kiện then chốt đảm bảo sự thành công đó là nguồn thông tin có giá trị. Bên cạnh việc cập nhật thông tin phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thông tin về thị trường, luật pháp, công nghệ, đầu tư, đối thủ cạnh tranh… còn phải xử lý thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, khoa học và có hiệu quả sẽ tạo nên những ưu thế cạnh tranh. Để hỗ trợ quá trình ra các quyết định điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và các quá trình kiểm soát quản trị trong mô hình công ty mẹ – công ty con đòi hỏi phải thiết lập một hệ thống báo cáo, phân tích thông tin nhanh chóng và độ chính xác cao. Hệ thống thông tin phải đảm bảo sự thống nhất các nguyên tắc và quy trình luân chuyển, xử lý thông tin quản trị. Sử dụng các phần mềm tin học ứng dụng trong quản lý chi tiết công tác lưu trữ, hạch toán kế toán v.v.. như vậy tạo điều kiện quản lý tốt hơn mà không mất nhiều thời gian, cũng như đạt được sự ổn định nhất quán số liệu trong năm.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn phải nhanh chóng đổi mới công nghệ, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động và do đó tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường. Năng lực công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của mô hình công ty mẹ – công ty con. Vì vậy cần xác định sự thay đổi công nghệ then chốt và xác định những công nghệ có vai trò quan trọng đối với lợi thế cạnh tranh, từ đó lựa chọn công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh.

4.4.3.3 Chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Thu hút, bố trí nhân sự

Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn cần có chiến lược cải cách tiền lương và đề cao con người, chính sách để đãi ngộ những cá nhân có sáng kiến, phát minh. Đối với những tài năng này cần phải trích khen thưởng từ giá trị làm lợi của sáng kiến, phát minh đó chứ không trích từ lợi nhuận của doanh nghiệp. Tổng Công Ty nên thuê những người giỏi làm giám đốc, kế toán trưởng, ràng buộc chế độ thưởng phạt và mức lương đãi ngộ sẽ mang lại lợi nhuận lớn nhờ tài năng và sự công tâm trong công việc. Người lãnh đạo phải có năng lực thực sự, làm tốt công tác con người nhằm phát triển tài năng con người trong Tổng Công Ty, đào tạo con người cho hiện tại cũng như vì tương lai để có được đội ngũ công nhân, quản lý mẫn cán. Có thể nói con người là một trong những yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của mô hình công ty mẹ – công ty con, vì con người chính là những thực thể lái con tàu đi đúng hướng, đúng mục tiêu. Chuyển sang mô hình mới sẽ làm thay đổi các chức năng quản lý và đòi hỏi đội ngũ quản lý phải có trình độ cao, được đào tạo trong môi trường kinh doanh hiện đại và am hiểu sâu sắc về mô hình này. Để mô hình công ty mẹ – công ty con hoạt động một cách linh hoạt, thích ứng kịp thời với những sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh và có được đúng người, đúng việc.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Chất lượng nguồn nhân lực được xem là ưu thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh hiện nay. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được xem là khâu đột phá của hiệu quả sản xuất kinh doanh, đây là việc làm thường xuyên và liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu công việc. Đối với đào tạo các cấp bên trong, Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn cần có kế hoạch đào tạo trong từng giai đoạn, hình thức đào tạo được cập nhật và nâng cao, quy trình đào tạo cụ thể gắn với nhiệm vụ công tác. Quan tâm đào tạo cán bộ trẻ có trình độ năng lực, có phẩm chất tốt, có kế hoạch đào tạo lâu dài.

Quy hoạch đào tạo nhân viên trên cơ sở trình độ được đào tạo, có kiến thức và năng lực làm việc, am hiểu ngành nghề, chuyên môn nghiệp vụ. Xác định và chọn đúng đối tượng để đào tạo, đào tạo đúng nhu cầu và đồng thời phải có thực hiện đánh giá kết quả đào tạo.

Duy trì nguồn nhân lực

Cần có cơ chế khuyến khích gắn liền với lợi ích của nhân viên với lợi nhuận của công ty, thống nhất quan điểm lợi ích cá nhân nhất quán với lợi ích công ty để nhân viên nhận thấy rằng sự cố gắng hoàn thiện và sự đóng góp của họ được đánh giá cao. Thu hút mọi nhân viên vào các quá trình ra quyết định liên quan đến công việc của họ đảm trách, khuyến khích phát triển cá nhân, nhân viên được đối xử một cách tôn trọng, tạo ra môi trường làm việc thoải mái, tinh thần đồng đội, thưởng xứng đáng cho những nhân viên có nhiều đóng góp thông qua nhiều hình thức như tham gia các khóa đào tạo, du lịch nước ngoài v.v…

Một phần của tài liệu Giải pháp chuyển đổi mô hình tổng công ty sang mô hình công ty mẹ- công ty con tại tổng công ty TM Sài Gòn (Trang 86 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)