Trong giai đoạn hiện nay thì chỉ thị của Chính phủ về siết chặt tín dụng đã làm đảo ngược các chính sách hỗ trợ vay vốn của các tổ chức tín dụng. Tác dụng ngoài mong đợi là thị trường lâm vào hoàn cảnh bế tắc, có thể xảy ra đóng băng trong tương lai gần nếu thiếu các chính sách điều chỉnh kịp thời. Do đó, giải pháp kiềm chế lạm phát này ảnh hưởng xấu đến thị trường BĐS.
Có thể, các chính sách đều có chủ ý là kiềm hãm thị trường tăng trưởng bong bóng. Nhưng chúng ta phải nhìn rõ vấn đề căn cơ là những giải pháp mang tính cấp thời, thiếu sự thấu đáo trong tình hình hiện nay. Chúng ta phải hiểu rằng không phải giá BĐS bị đẩy lên quá cao trong thời gian qua do nạn đầu cơ mà phải thấy rằng cung chưa kịp đáp ứng cầu nên giá của loại hàng hóa này tăng lên rất cao.
Ngược lại, chính sách Nhà nước can thiệp quá sâu vào các dự án nhà ở, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước lại thiếu hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa. Đây là nguyên nhân chính khiến cho các dự án chậm triển khai, ứ đọng vốn mà doanh nghiệp sử dụng vốn
vay lại phải trả lãi theo thời gian. Với chính sách tăng lãi suất nhằm giảm lạm phát chắc chắn đẩy các doanh nghiệp nhỏ bị hụt hơi lâm vào đường cùng.
Các ngân hàng nước ngoài sẽ tranh thủ cơ hội này, đẩy mạnh cho vay đối với người tiêu dùng mua nhà. Đối với các doanh nghiệp BĐS, ngoài việc lấn sân của các đồng nghiệp bên ngoài thì khó khăn lại thêm chồng chất khi các quỹ đầu tư của nước ngoài với nguồn vốn dài hơi cũng nhảy chân vào lĩnh vực này. Kết quả là gần đây, việc bị hất chân khỏi các dự án của doanh nghiệp trong nước xảy ra ngày một nhiều. Chúng ta thấy rằng chính sách này là đánh chung vào cả thị trường, cả nền kinh tế.
Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần phải liên kết với các doanh nghiệp khác hoặc là liên doanh với các ngân hàng, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tồn tại và phát triển.
Các doanh nghiệp BĐS trong nước nên biết rằng đây là "sân nhà" của chúng ta, với thế mạnh con người và các mối quan hệ thì sự kết hợp sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh vững mạnh hơn. Đồng thời doanh nghiệp cũng cần chuyên nghiệp hóa hơn trong hoạt động kinh doanh, nhận diện đúng nhu cầu thị trường của mình nhằm nâng cao sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài.
Cũng cần nói thêm rằng, chúng ta đừng nhìn các nhà đầu tư nước ngoài với suy nghĩ rằng họ là "cá lớn" sẽ nuốt "cá bé", đồng ý rằng họ có tiềm lực mạnh về vốn, nhưng để "gia nhập" vào thị trường của Việt Nam thì họ cũng phải "nhập gia tùy tục", nghĩa là họ vẫn cần chúng ta để bước vào thị trường này, họ không thể nào làm tất tần tật từ đầu chí cuối cho một dự án, nhất là trong khâu giải phóng mặt bằng, không ai có kinh nghịêm bằng các doanh nghiệp Việt Nam, và kể cả khâu nghiên cứu thị trường nữa, họ không thể nào biết được rõ về thị hiếu của thị trường này bằng chính chúng ta-những doanh nghiệp trong nước. Cho nên, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hãy nhìn nhận họ là những đối tác tiềm năng tương lai của mình.
Trong thời gian tới các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nên bớt trông cậy vào nguồn vốn từ ngân hàng mà hãy nghĩ về những kênh huy động khác như: quỹ đầu tư tín thác BĐS, trái phiếu... Đặc biệt là quỹ tín thác đầu tư, hiệp hội BĐS và các doanh nghiệp cần có các kiến nghị kịp thời giúp xây dựng cơ chế chính sách cho phù hợp với xu thế phát triển. Có như vậy thì chúng ta sẽ có thêm một kênh huy động mới từ vốn nhàn rỗi của người dân.
KẾT LUẬN
Trong nền kinh tế đang từng bước hòa nhập vào nền kinh tế thế giới, thực hiện mối quan hệ quốc tế rộng rãi, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thử thách vô cùng gay gắt với các công ty trong nước và các công ty liên doanh lớn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Việc định hướng phát triển nhằm đưa tổng công ty địa ốc Sài Gòn đạt được mục tiêu đặt ra là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với những nội dung đã trình bày trong luận văn này là rất cần thiết nhằm khẳng định vai trò, vị trí của Resco trên thị trường địa phương và cả nước, khẳng định sự chuyển đổi và phát triển của một Tổng Công ty Nhà nước trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, thỏa mãn nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển.
Qua nghiên cứu khái quát về thị trường nhà ở tại TP.HCM và đã đánh giá được thực trạng hoạt động của tổng công ty địa ốc Sài Gòn chúng tôi đã đưa ra được những quan điểm và mục tiêu phát triển phù hợp với tổng công ty. Qua đó chúng tôi đề ra các định hướng và các nhóm giải pháp thực hiện định hướng phát triển của tổng công ty địa ốc Sài Gòn.
Luận văn cũng đưa ra các kiến nghị đối với các cấp, ngành, các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc để thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định và bền vững, nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của tổng công ty địa ốc Sài Gòn nói riêng và các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc trên địa bàn Tp.HCM nói chung
Với những định hướng và giải pháp đã đề cập ở trên, Đề tài Định hướng
phát triển Tổng Công Ty Địa Ốc Sài Gòn Resco đến năm 2020 được thực hiện
với mong muốn cho sự tồn tại và phát triển của Resco trong nền kinh tế thị trường, để xứng tầm là một trong những doanh nhiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản.
Trong quá trình thực hiện, với thời gian và khả năng nghiên cứu còn hạn chế nên luận văn này không thể tránh khỏi những thiếu sót. Cuối cùng chúng tôi rất mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến của quý thầy cô, của các chuyên gia trong ngành cũng như bạn đọc để luận văn có giá trị thực tiễn hơn