Con đường “lập thân lập nghiệp” của thanh niên bây giờ đã thay đổi!
Các thế hệ đi trước, thậm chí còn nhiều thanh niên Việt Nam hiện tại, cho rằng con đường “lập thân và lập nghiệp” tất yếu sẽ phải là sau khi học xong, ra trường làm cho các công ty, ban ngành nhà nước, rồi phát triển lên từ đó. “Sống lâu lên lão làng” Khoảng hai chục năm trở lại đây, khuôn mẫu này đã thay đổi. Từ khi đổi mới, các công ty tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều. Nếu một người không thể tiến thân theo con đường quan trường, anh ta có thể về thành lập công ty rồi “lập thân lập nghiệp” từ đó.
Những thành công của các công ty, các tập đoàn nước ngoài ở khá gần ta như Nhật Bản, Hàn Quốc đã luôn thôi thúc lớp trẻ hiện nay hành động. Trong môi trường xã hội mới, họ thành công và đóng góp cho đời sống người dân không hề kém, thậm chí còn tốt hơn nếu cố gắng ở chốn quan trường.
Với những người mà con đường học hành không được suôn sẻ. Cộng với việc xuất phát điểm thấp không thể tiến thân theo đường quan trường. Người có đường học hành tốt hơn, cùng với một số yếu tố thuận lợi nào đó mà bước chân vào chốn được quan trường. Nhưng họ không chịu nổi những chuyện thị phi, trì trệ, bè phái đấu đá nhau ở chốn này nên đã phải từ bỏ ra ngoài làm ăn kinh tế. Với những người gia đình có điều kiện, có một số vốn ban đầu thì không sao. Những thanh niên còn lại, thì dù có ý chí vươn lên để giúp mình giúp đời, thì cũng phải lực bất tòng tâm. Họ đành phải ra làm việc cho các công ty tư nhân. Nơi mà dưới đây tôi cho các bạn thấy, cũng còn có rất nhiều việc đáng bàn.
***
Hiện tại, trong cơ cấu nền kinh tế nước ta, các công ty nhà nước chỉ chiếm khoảng 5% về số lượng các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Các công ty nhà nước được cung ứng khoảng từ 45% đến 55% lượng vốn ngân sách, song chỉ giải quyết được cho khoảng 30% số lượng công ăn việc làm cho người lao động. Một vấn đề khác, bây giờ chúng ta ai cũng biết được sự khó khăn khi muốn được vào làm công chức hay nhân viên của các công ty, đơn vị nhà nước. Có lẽ khó gần như lên trời!
Còn lại 70% số lượng người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân, các công ty vừa và nhỏ. Đây là những công ty có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, làm cho nền kinh tế thêm năng động, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng còn có rất nhiều việc phải bàn. Đó là các
vấn đề về quản lý, sứ mệnh, tầm nhìn, trách nhiệm xã hội, văn hóa công ty hay các vấn đề thiếu công khai minh bạch như sử dụng lao động không kê khai, đóng bảo hiểm…
Những tồn tại này dẫn đến tình trạng nhảy việc liên tục của người lao động trong các công ty tư nhân. Điều đó vừa làm cho các công ty này mất ổn định nhân sự, vừa không đảm bảo đời sống của người lao động. Mất ổn định nhân sự triền miên trong các công ty tư nhân làm giảm năng suất của họ. Từ đó giảm năng suất của cả nền kinh tế. Đời sống người lao động không được đảm bảo làm giảm đi chất lượng sống của cả quốc gia.
Những người không thể tiến thân theo con đường công chức, lại không có vốn để mở doanh nghiệp để kinh doanh thì không còn cách nào khác ngoài đi làm thuê cho các công ty tư nhân. Trong điều kiện Việt Nam hiện tại, với những con người này, có được một công việc để hàng tháng có thu nhập ổn định đã là quá tốt. Biết bao nhiêu người còn đang thất nghiệp. Cho nên việc đấu tranh để dành lấy những quyền lợi chính đáng, được ghi trong bộ luật lao động là gần như không có. Họ có thể phải chịu những thiệt thòi khá vô lý!
Nếu họ may mắn vào được các công ty ông chủ có tâm thì không sao. Còn không may vào những công ty thiếu trách nhiệm, làm việc 4 đến 5 năm không được đóng bảo hiểm là chuyện bình thường, tệ hơn nữa là những ngày được nghỉ lễ tết lại không được chấm công.
Thử tưởng tượng một người làm thuê cho một doanh nghiệp tư nhân mà trong vòng 5 năm doanh nghiệp ấy không phát triển lên. Vẫn chỉ giữ nguyên tầm quy mô, có khi còn thu hẹp lại. Trong năm đó họ không được đóng bảo hiểm thì tương lai họ sẽ như thế nào? Họ còn phải lập gia đình, sinh con đẻ cái, các con họ còn phải đi học... Trong điều kiện nền kinh tế lạm phát, vật giá gia tăng như hiện tại, có thể nói rằng đời sống của họ đang đi xuống.
Các công ty vừa và nhỏ mà khó khăn, thu hẹp quy mô sẽ đồng nghĩa với việc lượng thất nghiệp tăng. Người lao động không có việc làm, không có thu nhập trang trải cho cuộc sống của họ. Ở nước ta các khoản trợ cấp lại chưa có. Điều này có thể là nguy cơ gây mất ổn định xã hội. Tệ nạn trộm cướp, ma túy, mãi dâm có thể tăng lên.
Vì vậy khi nhà nước quan tâm đến hoạt động của các công ty tư nhân (vừa và nhỏ chính) là quan tâm đến người lao động. Đó cũng chính là làm tốt công tác an sinh, an ninh xã hội. Hiện nay đời sống của những người lao động làm việc trong các công ty tư nhân đang bị nhà nước bỏ bẵng không quan tâm. Thiết nghĩ điều này sẽ rất nguy hiểm khi thế hệ lao động này đến tuổi xế chiều. Họ sẽ là gánh nặng cho các thế hệ con cháu, gánh nặng cho nền kinh tế, gánh nặng cho tương lai của đất nước.
Thay lời kết
Thưa các bạn! Cuốn sách này tôi đã viết ra những trải nghiệm cuộc sống của mình. Một vài điều trong cuốn sách là do tôi học được từ người khác. Tôi mong rằng họ sẽ không phật lòng, vì ở đây tôi tổng hợp lại, viết ra để chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ, những người đang chập chững bước vào đời. Họ còn chưa biết mình là ai, chưa biết mình ở đâu trong cái thế giới đầy biến động và chứa nhiều yếu tố rủi ro này. Khi viết ra những điều này, tôi cũng không muốn tạo ra cho ai một áp lực nào đó. Tôi chỉ mong các bạn không mắc phải những sai lầm của tôi và những người đi trước mà thôi.
Một số bạn, ở một số điểm sẽ không đồng tình, thậm chí mâu thuẫn với tôi. Tôi hoàn toàn hiểu điều đó, bởi cuộc sống muôn hình muôn vẻ. Tôi không thích những người đọc sách tôi mà hoàn toàn đồng tình với tôi. Những điểm mâu thuẫn tạo ra sự khác biệt cho mỗi chúng ta. Và từ những điểm khác biệt ấy, vào một ngày đẹp trời, một bạn nào đó sẽ viết ra một cuốn sách mới.
***
Cuốn sách này tôi cũng không viết ra để thôi thúc các bạn hãy mạo hiểm vượt lên bằng bất kỳ giá nào. Cũng không phải viết ra để cảnh tỉnh bạn trước những nguy cơ khôn lường, rồi từ đó bạn lung lay từ bỏ ý tưởng của bạn. Mà qua cuốn sách này, tôi muốn chỉ nhắc nhở bạn tuổi trẻ trước hết hãy sử dụng thật tốt yếu tố thời gian, vì đó là thế mạnh của các bạn, hãy lựa chọn đúng ngành nghề và phát triển những kỹ năng có lợi. Xa hơn một chút là hãy nhìn nhận đúng thời cuộc để nắm bắt thời cơ, nhận định đúng bản thân và môi trường xung quanh để nắm bắt lấy cơ hội.
Không phải những người có xuất phát điểm tốt hơn thì sẽ thành công hơn. Có những người từ hai bàn tay trắng, chân lấm tay bùn mà làm nên cơ đồ. Bởi không phải ta sinh ra như thế nào, mà sự lựa chọn của ta mới quyết định ta là ai. Lựa chọn hành động bao giờ cũng có lợi, không thành công cũng thành nhân. Có những thất bại lại là mẹ thành công, không thất bại có người lại không tìm ra được con đường đi tiếp sáng suốt hơn. Vậy nên không có lý do nào ngăn cản các bạn hành động cả. Hãy thành công nếu bạn xứng đáng với điều đó!