Hải Phòng là thành phố Cảng biển lớn đồng thời là cửa ngõ ra biển của thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía bắc. Với tổng cộng diện tích hơn 5.000 km2 trong đó chỉ có 1.507 km2 đất nổi. Bờ biển Hải Phòng dài trên 132 km, có cảng quốc tế lớn với công suất hàng năm đạt trên 15 triệu tấn. Hải Phòng có hai huyện đảo Cát Bà và Bạch Long Vĩ rất thuận tiện cho du lịch biển và dịch vụ nghề cá phát triển trong đó Đồ Sơn và Cát Bà là hai trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, hàng năm thu hút hàng vạn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Về mặt môi trường, thiên nhiên ưu đãi cho Hải Phòng nhiều lợi thế. Hệ sinh thái đa dạng, tài nguyên biển phong phú, nhiều bãi cát nổi tiếng như Bạch Long Vĩ, các rạng san hô đẹp quanh đảo Cát Bà là vườn quốc gia trên biển nổi tiếng. Nơi đây có tới 745 loài thực vật bậc cao thuộc 495 chi và 149 họ. Động vật trong vườn quốc gia cũng hết sức đa dạng, nhiều loài thú quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là loài voọc đầu trắng một loài quý hiếm của thế giới chỉ có ở Vươn Quốc gia Cát Bà.
Tuy nhiên, môi trường của vùng ven biển Hải Phòng đang có những báo động về ô nhiệm. Theo kết quả phân tích, điều tra khảo sát gần đây nhất của cơ quan nghiên cứu về môi trường thì biển ven bờ của vùng biển Hải Phòng, đặc biệt là khu vực cửa sông có cảng, đang bị ô nhiễm.
Sự ô nhiễm trước tiên phải kể đến là ô nhiễm dầu. Đa số các mẫu phân tích đều cho thấy hàm lượng dầu trong nước vùng biển ven bờ Hải Phòng có xu hướng tăng cao trong các khu vực của sông, gần khu vực cảng, bến đỗ tầu thuyền. Có trường hợp dầu lan vào các khu đầm nuôi trồng thuỷ sản bám vào lá sú vẹt và ngấm vào trầm tích mặt đáy. Hệ số ô nhiễm dầu trong trầm tích tăng từ 0,4 ( năm 1995) lên 2,4 (năm 2000) và đến các năm gần đây vẫn tiếp tục tăng. Dự báo tình trạng phát triển giao thông thuỷ, công nghiệp và do các phương tiện thuyền đánh cá lạc hậu... Chưa kể Hải Phòng còn có tiềm ẩn nhiều sự cố tràn dầu.
Ô nhiễm đục nước đứng thứ hai sau ô nhiễm dầu. Gần đây ảnh hưởng đục nước của ven biển Hải Phòng tăng lên rõ ở khu vực bãi tắm Đồ Sơn và Đông Nam Cát Bà. Đó là kết quả của nạn phá rừng đầu nguồn và xói lở ở ven biển. Chỉ riêng sông cấm từ 1960 đến năm 1992, lưu lượng nước tăng từ 1 km3/năm lên 12,9 Km3/năm và hàm lượng phù sa tăng từ 20 g/m3 lên 340 g/m3. Đục không những làm bẩn nước, thiệt hại tới du lịch, mà còn làm chết san hô, giảm năng suất sơ cấp thực vật nổi do hạn chế quang hợp.
Ngoài ra độ ôxy hoà tan (DO) của vùng biển Hải Phòng thấp, trung bình khoảng 3,3 đến 10,9 mg/l vào mùa khô và khoảng 0,1 đến 6,1 mg/l vào mùa lũ. Nhu cầu ôxy hoá sinh học (BOD) khá cao (13,6 đến 31mg/l), chỉ số vi trùng học (colifom) qua khảo sát đều thấy vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Nguyên nhân là do chất thải công nghiệp, đô thị, các khu dân cư và những hoạt động trên biển gây ra. Nhiều nhà máy cơ sở sản xuất, khách sạn...có nước thải không được xử lý đều đổ thẳng vào sông, biển. Nhiều rác thải rắn từ các hoạt động tầu thuyền và dân cư ven biển cũng không được thu gom thường được đổ ra sông, biển ven bờ.
Ô nhiễm môi trường biển của Hải Phòng đã và đang tác động xấu đến các hoạt động của cảng, giao thông đường thuỷ, do lượng bồi lắng cộng với xói lở biển gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, du lịch biển cũng như cuộc sống của ngư dân và dân cư vùng ven biển. Nếu không chú ý và có
ý thức bảo vệ môi trường biển Hải Phòng sẽ mất lợi thế về biển. Đồng thời cộng với những biến đổi khí hậu toàn cầu, Hải Phòng sẽ còn phải đương đầu với những cơn bão lớn, mực nước dâng cao và sóng biển dữ dội. Tất cả những vấn đề đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội, đến cuộc sống của nhân dân Hải Phòng. Theo các nhà quản lý và nghiên cứu môi trường thì để bảo vệ môi trường Hải Phòng, giải pháp trước tiên là phải tạo ra được một sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, coi trọng sự nghiệp của mọi người và của cộng đồng. Từ đó, xây dựng thói quen nếp sống văn minh, tự giác chấp hành quy chế bảo vệ môi trường biển. Thứ hai, mọi chường trình, mọi đề án phát triển kinh tế biển, vùng ven biển phải được giải quyết hài hoà, thoả đáng, cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường biển, nhằm phát triển bền vững. Muốn vậy tất cả các công trình xây dựng phục vụ dân sinh kinh tế, quốc phòng, các hoạt động phục vụ dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí ven biển, trên biển đều phải tự xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Nứoc thải các loại chỉ được thải ra biển khi đã dược xử lý và đạt tiêu chuẩn cho phép. Cùng với đó, phải kiểm soát các hoạt động gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn tài nguyên. Có kế hoạch khai thác bãi triều, rừng ven biển. Đưa diện tích rừng ven biển của Hải Phòng từ 2.253 ha như hiện nay lên 8.252 ha vào năm 2010 như trong quy hoạch. Thứ ba, từ Luật bảo vệ môi trường và các văn bản quy định khác, thành phố cần rà soát, nghiên cứu xây dựng và ban hành cụ thể chi tiết quy chế bảo vệ môi trường biển, tạo thành hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc quản lý, bảo vệ môi trường.