Mục tiêu của nghiên cứu sơ bộ là để khám phá, điều chỉnh và bổ sung mô hình nghiên cứu đề xuất và xây dựng thang đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp. Mục tiêu chính của nghiên cứu sơ bộ là để phát hiện và khắc phục các lỗi có thể có trong thiết kế bảng câu hỏi trước khi tiến hành khảo sát chính thức (Cavana, Delahaye & Sekaran 2001; Diamantopoulos & Winklhofer 2001; Litwin 1995; Malhotra 2004; Polit, Beck & Hungler 2005) và thường để tinh chỉnh và sửa đổi các câu hỏi nhằm giúp đảm bảo độ tin cậy và giá trị của các thang đo (Flynn & cộng sự 1990) (trích từ Nguyen, 2010). Ngoài ra, nghiên cứu sơ bộ được sử dụng để ước tính tỷ lệ hồi đáp cho các phiếu khảo sát và xác định cỡ mẫu của nghiên cứu chính. Do đó, nghiên cứu sơ bộ được công nhận rộng rãi như là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của các công cụ khảo sát (Green & ctg, 1988).
Trong phân tích SEM, Hair & cộng sự (2010) nhấn mạnh rằng nghiên cứu sơ bộ là đặc biệt quan trọng khi các thang đo được lấy từ nhiều nguồn khác nhau và áp dụng trong bối cảnh cụ thể. Một số thang đo trong nghiên cứu này đã được phát triển trong bối cảnh các nước mới phát triển hoặc công nghiệp hóa tiên tiến nhìn từ góc độ doanh nghiệp. Vì vậy, nghiên cứu sơ bộ cần phải được thực hiện để xem xét lại các thang đo trong bối cảnh của Việt Nam.
Nghiên cứu định tính sơ bộ nhằm khám phá, điều chỉnh và xác định các khái niệm dùng trong thang đo đo lường ý định khởi nghiệp của sinh viên. Dựa theo cơ sở lý thuyết của chương 2 về các thành phần của ý định khởi nghiệp áp dụng cho mẫu nghiên cứu tại Tây Ban Nha, các biến quan sát dùng để đo các thành phần của ý định khởi nghiệp đã được hình thành, tuy nhiên các biến này được xây dựng trên cơ sở lý thuyết do đó cần phải điều chỉnh cho phù hợp với quan điểm, môi trường và điều kiện đặc thù tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh. Từ mục tiêu ban đầu, cơ sở lý thuyết, tác giả xây dựng được bản phỏng vấn định tính sơ bộ. Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng kỹ thuật nghiên cứu định tính thảo luận tay đôi. Quá trình thảo luận được thực hiện cùng với 10 người là giảng viên, sinh viên, giám đốc doanh nghiệp, người mới khởi nghiệp, người đang chuẩn bị khởi nghiệp trên địa bàn
thành phố Hồ Chí Minh thông qua thảo luận tay đôi, dàn bài thảo luận được thiết kế sẵn với thang đo sơ bộ, từ đó hình thành thang đo các nhân tố có tác động đến ý định khởi nghiệp mà tác giả đã điều chỉnh vào thang đo định lượng. Sau khi nghiên cứu định tính, tác giả xây dựng được bảng câu hỏi dùng cho nghiên cứu định lượng sơ bộ.
Nghiên cứu sơ bộ định lượng được thực hiện để đánh giá sơ bộ về độ tin cậy, giá trị của các thang đo và điều chỉnh cho phù hợp với mô hình ý định khởi nghiệp thực hiện bằng phương pháp phát phiếu khảo sát trực tiếp với mẫu khảo sát nhỏ. Trong điều kiện của một mẫu nghiên cứu sơ bộ, Green & cộng sự (1988) cho rằng đối tượng nghiên cứu sơ bộ nên càng giống mẫu chính thức càng tốt, đại diện trả lời điển hình, hoặc ngắn gọn hơn, nên phản ánh các thành phần của cuộc điều tra chính. Tuy nhiên, lấy mẫu thuận tiện cũng thường được sử dụng để tạo ra một mẫu cho nghiên cứu sơ bộ (Calder & cộng sự, 1981) với một kích thước mẫu đề nghị từ 12 đến 30 (Hunt & cộng sự, 1982) hoặc từ 25 đến 100 (Bolton, 1993). Như vậy, tác giả tiến hành khảo sát định lượng với mẫu thuận tiện có kích thước mẫu là 115. Dữ liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm SPSS 16.0 với công cụ kiểm định Cronbach’s Alpha. Kết quả kiểm định độ tin cậy của các thang đo như sau:
Bảng 3. 1. Bảng kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha đối với thang đo nghiên cứu định lượng sơ bộ
Nhân tố Cronbach’s Alpha Tương quan biến – tổng nhỏ nhất
EI 0.827 0.565
PA 0.761 0.553
SN 0.814 0.616
PBC 0.716 0.413
CV 0.790 0.542