2. Mục đích, yêu cầu của đề tài
1.5.2. Tình hình sản xuất đậu xanh ở Việt Nam
Ở Việt Nam, cây đậu xanh được gieo trồng ở nhiều địa phương trên cả nước song diện tích còn manh mún, rải rác từ Nam ra Bắc, từ các tỉnh đồng bằng đến trung du và miền núi, do đó thống kê tình hình phát triển đậu xanh ở nước ta chưa chính xác. Đậu xanh là cây trồng ngắn ngày, được xếp trong cơ cấu đa dạng cây trồng, trồng xen, trồng gối, ước tính diện tích gieo trồng đậu xanh ở nước ta hàng năm khoảng trên 60.000 ha, năng suất bình quân khoảng 6 – 8 tạ/ha.
Theo Vụ Kế hoạch – Bộ Nông nghiệp và PTNT, cây đậu xanh được xếp chung vào nhóm cây đậu các loại. Số liệu thống kê diện tích, năng suất, sản lượng cây đậu các loại đến năm 2011 của cả nước được thể hiện qua bảng sau:
Bảng 1.3: Diện tích, năng suất, sản lượng đậu các loại của Việt Nam giai đoạn 2007 – 2011
Năm
Chỉ tiêu 2007 2008 2009 2010 2011
Diện tích (1000 ha) 205,10 197,70 187,90 190,10 189,50
Năng suất (tạ/ha) 8,61 9,45 9,50 9,81 9,94
Sản lượng (1000 tấn) 176,70 186,90 178,60 186,50 188,40
Nguồn: Cơ sở dữ liệu nông nghiệp nông thôn các tỉnh – Vụ Kế hoạch – Bộ Nông nghiệp và PTNT [2]
Qua bảng cho thấy diện tích đậu các loại từ năm 2007 đến 2011 có xu hướng giảm. Năm 2007 diện tích đậu các loại là 205.100 ha, nhưng đến năm 2011 diện tích giảm xuống còn 189.500 ha, tức là giảm 15.600 ha sau 5 năm. Mặc dù vậy năng suất đậu các loại lại tăng từ 8,61 tạ/ha (năm 2007) lên 9,94 tạ/ha (năm 2011) làm cho sản lượng cũng tăng theo. Điều đó chứng tỏ việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như sử dụng các bộ giống cây trồng cho năng suất, chất lượng đã mang lại hiểu quả cho sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất trồng trọt nói riêng.
Căn cứ vào đặc điểm địa hình, điều kiện khí hậu... có thể phân chia các vùng trồng cây đậu xanh như sau:
- Vùng núi phía Bắc bao gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Quảng Ninh. Thời vụ gieo trồng từ tháng 4, 5 thu hoạch tháng 7, 8 là thời điểm có khí hậu nóng ẩm thuận lợi cho sinh trưởng của cây. Tập quán canh tác ở đây đơn giản, ít thâm canh, năng suất thấp.
- Vùng Đồng Bằng, Trung du Bắc bộ bao gồm các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình và Thanh Hóa. Đậu xanh ở vùng
này được gieo trồng từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm, tập trung ở ba thời vụ: vụ xuân, vụ hè, vụ thu đông. Hàng năm do xu hướng thâm canh tăng vụ, tăng năng suất, đồng thời có hệ thống tưới tiêu khá hoàn chỉnh và đầu tư nên năng suất đậu xanh vùng này khá cao, việc tiếp nhận mô hình đậu xanh cao sản khả thi hơn. Đây là những điều kiện cơ bản trong phát triển sản xuất.
- Vùng Duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên: Đây là vùng có diện tích và sản lượng gieo trồng đậu xanh lớn. Do không chịu ảnh hưởng của khí hậu mùa đông lạnh; mùa mưa, mùa khô phân bố rõ rệt nên thuận lợi để trồng quanh năm. Hàng năm đậu xanh được gieo trồng từ 2 - 3 vụ, với phương thức trồng thuần là chủ yếu. Hạn chế lớn nhất ở đây là thời điểm thu hoạch vụ hè thu thường gặp mưa bão nên thất thoát nhiều về năng suất và sản lượng.
- Vùng Đông Nam bộ: Đây là vùng sản xuất đậu đỗ có quy mô lớn chiếm 26% diện tích gieo trồng cả nước. Tuy nhiên, do không có thâm canh và việc sử dụng các giống đậu xanh năng suất thấp nên năng suất trung bình của vùng này cũng thấp.
Một số giống đậu xanh được trồng phổ biến hiện nay như:
+ VC2768A năng suất vụ hè thu khoảng 20 tạ/ha, có thể trồng 3 vụ/ năm, cây thấp, cứng cây, chịu mưa và chống đổ tốt.
+ ĐX044 đang được trồng nhiều ở vùng đồng bằng và Trung du Bắc bộ;
+ V123 năng suất đạt 18 – 20 tạ/ha, thâm canh có thể đạt 20 – 70 tạ/ha, có thể trồng 3 vụ /năm;
+ T135 năng suất đạt 29 tạ/ha trồng ở các tỉnh phía Bắc;
+ HL-115 năng suất từ 10 – 13 tạ/ha trồng vụ hè và 14 – 22 tạ/ha trong vụ thu đông tại các tỉnh phía nam, cây cứng, ít đổ... (Trần Đình Long
Ngoài ra, trong những năm trở lại đây các cơ quan khoa học ở phía Nam đã chọn tạo cho sản xuất một số giống đậu xanh ưu tú như sau:
- Giống V 87-13, giống này có chiều cao trung bình từ 50-60cm, phân cành tốt, khả năng tái tạo bộ lá mạnh, vì vậy sau khi thu hoạch nếu cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, cây đậu xanh sẽ cho thêm một đợt bông thứ hai với năng suất vào khoảng 50-60% đợt đầu. Giống V 87-13 có hạt đóng kín hạt khá đều, tương đối lớn, dạng hình trống, màu xanh thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng và xuất khẩu. Năng suất trung bình vào khoảng 1,2 tấn/ha. Đậu xanh tốt có thể đạt 2 tấn/ha. Khả năng chống chịu đối với bệnh khảm vàng do virus và bệnh đốm lá ở mức trung bình.
- Giống HL 89 E3, đây là giống có tính thích nghi rộng thích hợp trên nhiều chân đất, hạt đóng khít, dạng hạt tròn hình oval, màu xanh mỡ rất đẹp. Trọng lượng 1.000 hạt khoảng 50 - 53g. Đặc điểm của 2 giống V 87-13 và HL 89 E3 là hạt không bị chuyển màu nếu gặp mưa trong quá trình thu hái.
- Giống V91-15: Cao cây trung bình 60 - 65cm phơi bông nên rất thuận tiện cho công tác phòng trừ sâu hại, hạt có dạng hình trụ, màu xanh mỡ thích hợp với người tiêu dùng. Tỷ lệ hái đợt đầu vào khoảng 70-80%. Giống chống chịu bệnh khảm vàng và đốm lá ở mức trung bình.
- Giống V94-208 là giống có tiềm năng năng suất cao trung bình 1,4- 1,5 tấn/ha, có những nơi giống đã đạt 2,8 tấn/ha. Đặc điểm nổi bật của V 94-208 cây cao khoảng 70 - 75cm, thân to, lá rộng, bông nằm trên mặt lá, hạt to, hình trụ màu xanh đậm, bóng. Hạt đóng không khít trong quả, vì vậy khi gặp điều kiện dinh dưỡng không tốt các hạt sẽ không đều. Hạt giống V 94-208 rất dễ đổi màu khi thu hái gặp trời mưa hoặc phơi không kịp. Giống rất dễ bị mọt, vì vậy cần lưu ý. Khả năng chống chịu bệnh khảm vàng của giống ở mức trung bình yếu cho nên chỉ gieo trồng trong vụ đông xuân [1].