III. THÀNH TỰU, HẠN CHẾ TRONG THỰC TIỄN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
2. Những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân
Thứ nhất, quá trình đổi mới nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa diễn ra chậm, do hạn chế về lý luận, kinh nghiệm và thiếu mô hình mang tính tiền lệ trong lịch sử. Chưa nhận thức đầy đủ về bản chất và nguyên tắc vận hành nền kinh tế thị trường, nên đã tạo ra sự không đồng bộ và những bất cập trong quá trình phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các chính sách về xây dựng thể chế
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp với thực tiễn. Mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và thị trường chưa xử lý phù hợp, rõ ràng, minh bạch. Chẳng hạn:
- Trong vấn đề sở hữu các “khoảng trống” thể chế liên quan đến quyền sở hữu về tài nguyên, tài sản công, đầu tư công, nhất là vốn và tài sản đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước. Nhận thức về sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân, về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước dựa trên cơ sở của sở hữu nhà nước còn chưa thống nhất; sở hữu tập thể và tư nhân vẫn chưa được xác lập đầy đủ, rõ ràng. Hiện có nhiều hạn chế liên quan đến sở hữu tài sản, trong đó quan trọng là sở hữu trí tuệ (trí quyền), sở hữu trái phiếu (trái quyền), cổ phiếu (cổ quyền),… vẫn chưa được thể chế hóa một cách đầy đủ. Nhiều loại quyền sở hữu tài sản xã hội chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ và rõ ràng.
Đối với thành phần kinh tế tư nhân trong nước: sự thay đổi tư duy về kinh tế tư nhân thể hiện qua các kỳ đại hội (từ Đại hội VI năm 1986 đến Đại hội X năm 2006); khung pháp luật được cải thiện rất nhanh và mạnh (Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (chung) và các văn bản pháp quy có liên quan); hoạt động của các cơ quan nhà nước liên quan đến quản lý đầu tư và kinh doanh đã ngày càng “thân thiện” hơn với khu vực tư nhân,…; tăng nhanh về số lượng các doanh nghiệp tư nhân trong nước thời gian gần đây. Tuy vậy, vãn còn nhiều rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân (vay vốn, đấu thầu các dự án dùng vốn ngân sách,…); quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp tư nhân vẫn còn có nhiều hạn chế. Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế (quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, thị trường hẹp, ít đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, khó khăn về nguồn nguyên liệu, lao động chất lượng cao, chấp hành luật pháp chưa nghiêm.
Thứ hai, chất lượng tăng trưởng thấp, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng. Tăng trưởng nhanh nhưng trình độ phát triển còn hạn chế. Sự tăng trưởng đạt được chủ yếu dựa vào yếu tố chiều rộng do nhờ tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và giá lao động rẻ (trong khi chất lượng đầu tư còn thấp kém, trình độ công nghệ và chất lượng lao động hầu như chưa có thay đổi lớn) làm cho năng suất và hiệu quả còn thấp kém. Hệ số ICOR còn cao. Trong sự tăng trưởng chứa đựng những yếu tố chưa bảo đảm sự phát triển bền vững trong cả ngắn hạn và dài hạn. Những yếu tố này bao gồm:
- Cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, lao động chưa có việc làm và có việc làm không đầy đủ còn lớn. Năng suất lao động còn thấp và tăng chạm. Với tốc độ tăng của GDP là khoảng 7%, số lượng lao động được giải quyết việc làm tăng hàng năm là 3,8%, lượng vốn đầu tư tăng khoảng 10-12%, có thể thấy năng suất lao động hầu như không cải thiện. Chất lượng nhân lực thấp kém (như năng lực chuyên môn, ý thức, bản lĩnh và tính cộng đồng).
- Tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào xuất khẩu các mặt hàng chủ lực là dầu khí, dệt may, thủy sản, nông lâm sản chưa qua chế biến. Những mặt hàng qua chế biến hoặc công nghệ cao (mà Việt Nam có tiềm năng phát triển) như điện tử và linh kiện thì vẫn còn quá nhỏ bé (2,5% - 3%) và chưa ổn định. Trong cơ cáu nhập khẩu, thiết bị phụ tùng chỉ chiếm khoảng 30% và hầu như không tăng.
- Xét về mức độ tăng trưởng, trong thời gian qua nước ta có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới, tỷ lệ đói nghèo giảm. Tuy nhiên, GDP các vùng rất chênh lệch, dẫn đến thu
nhập bình quân tính theo đầu người giữa các vùng nhất là giữa thành thị và nông thôn có xu hướng gia tăng.
Thứ ba, cơ cấu kinh tế kém hiệu quả, năng lực cạnh tranh ở cả cấp độ quốc gia doanh nghiệp và sản phẩm còn thấp kém
- Trong những năm qua, phát triển kinh tế theo bề rộng (khai thác lợi thế tự nhiên và lao động) gần như đã đến mức tới hạn. Sản xuất lương thực đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực theo nghĩa truyền thống và có xuất khẩu với hiệu quả không cao; phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động – dệt may, da giày, lắp ráp hàng điện tử dân dụng phổ thông… các ngành công nghệ cao còn nhỏ bé và gặp nhiều khó khăn trong phát triển. Trong công nghiệp: mức độ gia công lớn và phụ thuộc vào bên ngoài cả về đầu vào và đầu ra, giá trị gia tăng thấp. Chưa thực sự có định hướng phát triển nền nông nghiệp sạch, nhiều nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề cấp thiết. Những dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao của nền kinh tế thị trường, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm,… vừa thiếu và vừa yếu.
- Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và sản phẩm thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là sự yếu kém của các yếu tố đầu vào như giá nhập khẩu nguyên liệu cao. Phần lớn các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu của nước ta phải nhập nguyên liệu. Vì vậy giá nhập khẩu nguyên liệu cao làm giảm tỷ lệ giá trị gia tăng hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp. Chi phí trung gian cao và cao hơn các nước trong khu vực, nhất là do tình trạng tăng không có căn cứ của các giá mà Nhà nước độc quyền như giá xăng dầu, giá điện, sắt thép, xi măng, cước phí bưu điện, vận tải xếp dỡ, giá sử dụng đất, tiền công, thuế và cũng như chi phí quản lý. Công nghệ, thiết bị lạc hậu làm cho chi phí đầu vào lớn, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm thấp. Trách nhiệm kinh tế, kinh nghiệm kinh doanh, năng lực quản lý, hiểu biết thị trường của các doanh nghiệp còn thấp do cơ chế bao cấp của Nhà nước sinh ra.
Thứ tư, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tuy đã có nhiều cố gắng đầu tư phát triển, song kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu, hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá của Đại hội lần thứ X của Đảng: Hệ thống đường bộ chưa hoàn chỉnh, chất lượng thấp, nhiều nơi còn bị tắc nghẽn; chưa bảo đảm giao thông thông suốt trong mùa mưa ở các khu vực thường bị ngập lụt và miền núi. Hệ thống cảng biển, đường sắt, hàng không còn bất cập về năng lực vận chuyển, khả năng kho bãi, về thông tin, quản lý; chi phí dịch vụ vận tải còn cao.
Hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn, các hồ chứa ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền núi chưa được đầu tư hoàn chỉnh; chất lượng một số công trình thấp, hiệu quả sử dụng kém. Các công trình thủy lợi tập trung nhiều cho sản xuất lúa, chưa phục vụ tốt cho phát triển cây công nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Hệ thống thủy lợi ở đồng bằng sông Cửu Long đầu tư thiếu đồng bộ, còn nhiều yếu kém, bất cập. Quản lý nguồn nước còn bị buông lỏng.
Hệ thống điện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về nguồn điện, lưới điện và chất lượng; tỷ lệ tổn thất còn cao. Một số công trình điện không hoàn thành đúng kế hoạch, gây thiếu điện trong thời gian cao điểm và khi có hạn hán nghiêm trọng.
Hạ tầng bưu chính, viễn thông thiếu đồng bộ; chất lượng dịch vụ còn thấp, giá dịch vụ còn cao; hoạt động bưu chính – viễn thông ở vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng yêu cầu. Kết cấu hạ tầng đô thị phát triển chậm, chất lượng quy hoạch đô thị thấp, quản lý đô thị kém. Hệ thống cấp nước kém phát triển, thiết bị xử lý nước lạc hậu, chất lượng nước kém, hệ thống phân phối nước và nguồn nước nhiều nơi chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp vừa thiếu, vừa kém chất lượng, chưa ngăn chặn được tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Hạ tầng cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, thể dục còn thiếu, chưa đồng bộ và chất lượng thấp
Thứ năm, thể chế kinh tế thị trường bao gồm cả hệ thống pháp luật, các chính sách của nhà nước tuy đã được hình thành, nhưng còn thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, có những điểm chưa phù hợp… Nên đã gây ra những cản trở hoặc làm tăng sự méo mó cho sự vận hành của cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
- Phương thức quản lý và điều hành vĩ mô của nhà nước đối với nền kinh tế, đặc biệt là công tác quy hoạch, kế hoạch chưa thật sự phù hợp với cơ chế thị trường. Mục tiêu và phương thức quản lý công sản cần được đổi mới; nội hàm các nội dung “vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước” và “vị trí then chốt của doanh nghiệp nhà nước”, đặc biệt là những lĩnh vực nhà nước cần phải nắm giữ vị thế độc quyền hoặc khống chế thị trường chưa được xác định rõ ràng. Nhiều thủ tục hành chính không còn phù hợp, phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm và kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện đầy đủ nguyên tắc công khai minh bạch trong chính sách, cơ chế quản lý, quy trình tác nghiệp.
- Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước còn nhiều chồng chéo, trùng lặp trong chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành; nhà nước còn can thiệp quá mạnh vào nền kinh tế, không phù hợp với cơ chế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế; luật pháp, tổ chức, năng lực của bộ máy thực thi, giám sát việc thực thi luật pháp đối với các hoạt động trên thị trường còn rất yếu kém; vừa thừa vừa thiếu; pháp luật được thực thi chưa nghiêm, chưa công bằng và minh bạch; các quy trình và công cụ kiểm soát chất lượng pháp luật, đảm bảo luật pháp được ban hành, được thực thi có hiệu quả, có hiệu lực còn chưa đủ; thể chế giải quyết tranh chấp chưa hiệu quả và chưa đủ độ tin cậy; tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư chưa được tổ chức hợp lý. Sự yếu kém của bản thân các chủ thể kinh doanh (về tổ chức, khả năng liên kết, khả năng đổi mới).
- Kết quả giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội còn hạn chế, thậm chí, trên một phương diện nào đó bất công, bất bình đẳng, sự phân hóa giàu nghèo và các tệ nạn xã hội còn gia tăng. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn và chậm được cải thiện tương xứng với mức độ cải thiện chung của nền kinh tế.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém. Có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính, thể hiện trên các khía cạnh:
- Tư duy của Đảng trên một số lĩnh vực chậm đổi mới. Một số vấn đề ở tầm quan điểm, chủ trương lớn chưa được làm rõ nên chưa đạt được sự thống nhất cao về nhận thức và thiếu dứt khoát trong hoạch định chính sách, chỉ đạo điều hành, như các vấn đề: sở hữu và các thành phần kinh tế; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xây dựng nền kinh tế độc
lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế, đổi mới cơ chế, chính sách quản lý giáo dục, y tế, văn hóa…; đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị21.
Cùng với vấn đề nêu trên, Đại hội lần thứ X của Đảng còn chỉ rõ: Lý luận chưa giải đáp được một số vấn đề của thực tiễn đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đặc biệt là trong việc giải quyết các mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa đổi mới với ổn định và phát triển; giữa độc lập tự chủ với chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
- Sự chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa tốt. Ba lĩnh vực được coi là ba khâu đột phá (xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà trọng tâm là đổi mới cơ chế, chính sách, tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị mà trọng tâm là cải cách hành chính) cũng như việc xây dựng một số công trình trọng điểm của quốc gia chưa được chỉ đạo tập trung, thực hiện thiếu tinh thần trách nhiệm. Tình trạng nói nhiều làm ít, làm không đến nơi đến chốn hoặc không làm còn diễn ra ở nhiều nơi. Hiệu lực quản lý nhà nước còn thấp trên một số lĩnh vực như: quy hoạch, đất đai, xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng, tài nguyên môi trường, sở hữu trí tuệ… công tác kiểm tra, thanh tra còn thiếu hiệu lực.
- Về chính sách và giải pháp: xu hướng đối phó tình thế ngắn hạn có “tính nổi trội”, do đó, dễ rơi vào thế “cục bộ”, “phiến diện” và “bị động” trước những bất trắc và khó khăn. Năng lực và chất lượng dự báo vĩ mô còn thấp làm cho một số quyết sách chưa hoàn toàn hợp lý và mang tính đối phố tình thế hơn là sự phản ứng mang tính chủ động.