4.3.3.1 Nguồn nhân lực
Thành phố Cần Thơ đang nỗ lực không ngừng trong công cuộc CNH – HĐH đất nước, trong đó, đào tạo nguồn nhân lực luôn là ưu tiên hàng đầu. Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung, hiện nay vẫn bị đánh giá là vùng trũng về vấn đề giáo dục và đào tạo. Với thực trạng thừa lao động phổ thông nhưng thiếu lao động có tay nghề trình độ như hiện nay, ban lãnh đạo thành phố đang ra sức tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo nghề cũng như các lao động phổ thông có thể tiếp cận với sự giáo dục cải tiến. Hiện nay, TP Cần Thơ có 5 trường đại học công lập và ngoài công lập, trong đó có 1 cơ sở đào tạo đại học tại thành phố của trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, 6 trường cao
đẳng, 17 trường trung cấp chuyên nghiệp, 63 trung tâm, cơ sở đào tạo nghề. Mặc dù vậy, đối tượng lao có thể tiếp cận được cũng vẫn còn hạn chế. Ngoài Đại học Cần Thơ, hầu hết các trường, trung tâm vẫn còn thiếu nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Việc lao động không được đào tạo theo hướng hiện đại thì sẽ rất khó để cho doanh nghiệp sử dụng hiệu quả được các thiết bị sản xuất hiện đại. Ngoài ra chưa kể đến trong những năm gần đây, số lao động được đào tạo để sang nước ngoài làm việc đang gia tăng không ngừng. Điều đó cho thấy, hướng đào tạo của phía nhà nước chưa thật sự chú trọng vào các doanh nghiệp trong thành phố, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô không lớn lắm. Đa phần, các doanh nghiệp cần có một khoảng thời gian đào tạo lại sau khi tuyển dụng chứ không có sẵn nguồn lao động có tay nghề. Chính điều này làm tốn chi phí cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất cho các công nhân mới vào cần thời gian tích lũy kinh nghiệm.
46.3%
28.2% 14.0%
11.2%
LĐ chưa qua đào tạo LĐ có chứng chỉ nghề LĐ sơ cấp và trung cấp LĐ cao đẳng ĐH
Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ
Hình 4.14 Cơ cấu lao động theo trình độ của TP Cần Thơ
Theo kết quả khảo sát biến động nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2013 của Sở Lao Động, Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm 46,3%; có chứng chỉ nghề và tương đương chiếm 28,24%; sơ cấp, trung cấp và tương đương chiếm 13,96%; cao đẳng, đại học trở lên chiếm 11,17%. Như vậy phần lớn nhân lực trong độ tuổi lao động của thành phố hiện vẫn còn ở mức lao động phổ thông. Đây chính là một trong những rào cản làm kìm hãm sự
phát triển của thành phố. Bên cạnh đó, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu dựa vào kinh nghiệm lâu năm chứ chưa có sự đào tạo bài bản. Vì vậy, dù đề ra các chỉ tiêu về chất lượng theo chuẩn quốc tế nhưng khi khó triển khai tới người nông dân giúp họ hiểu rõ sẽ gây ra khó khăn rất nhiều cho các doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu đó.
4.3.3.2 Nguồn vốn
Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ, vấn đề nguồn vốn luôn luôn là vấn đề gây cản trở nhiều nhất cho sản xuất và công tác xuất khẩu. Các doanh nghiệp nhà nước chưa được đầu tư đúng mức để có thể phát triển quy mô, các doanh nghiệp ngoài nhà nước thì khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Mặc dù đã có những nỗ lực trong thời gian qua nhưng thật sự đây không phải là một vấn đề đơn giản, các nhà quả lý đã phải trăn trở rất nhiều. Việc thiếu vốn gây khó khăn trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến sản xuất và xuất khẩu.
Một là, thiếu vốn đầu tư nên cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Điều này khiến cho nguồn nguyên liệu không đạt chất lượng và khó lòng đáp ứng được yêu cầu từ các nước nhập khẩu hàng của ta. Về phía doanh nghiệp, thiếu vốn đầu tư vào quy trình sản xuất hiện đại, máy móc kỹ thuật, công nghệ cao hay phương tiện vận chuyển mới sẽ làm năng suất sản suất, chậm tiến độ và làm cho đối tác dần mất kiên nhẫn với doanh nghiệp.
Hai là, do hạn chế của vốn đầu tư nên việc mở rộng ngành, mở rộng sản xuất trong nông nghiệp diễn ra chậm chạp. Việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng gặp khó khăn với vấn đề thủ tục khiến các doanh nghiệp không thể xoay xở được vốn khi cần thiết. Các doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô hay sản xuất thêm mặt hàng khác thì phải chờ xin các giấy phép liên quan sau đó mới có thể làm thủ tục vay ở ngân hàng. Chính điểm bất lợi này làm cho việc phát triển của doanh nghiệp bị chặn lại bởi một hàng rào vô hình.
Ba là, nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp cũng như sản xuất nông sản tuy dồi dào nhưng trình độ thấp. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp diễn ra khá chậm chạp do thiếu vốn để tổ chức đào tạo nghề và đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên trong khâu xuất khẩu. Các công nhân chủ yếu chỉ được doanh nghiệp đào tạo sơ và sẽ được tích lũy kinh nghiệm trong quá trình lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không thể đưa nhân viên hay lãnh đạo doanh nghiệp sang nước bạn để học hỏi kiến thức cũng như kinh nghiệm trong kinh doanh nếu như thiếu vốn đầu tư.
Những lý do trên đã cho thấy tầm quan trọng của nguồn vốn đối với các doanh nghiệp. Nó hầu như chi phối tất cả các hoạt động của doanh nghiệp. Vấn đề này doanh nghiệp không thể đơn thuần tự giải quyết được mà cần có sự hỗ trợ rất lớn từ phía nhà nước đặc biệt là ngân hàng. Để có được sự phát triển cũng như có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài thì cần có sự đầu tư lớn hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Theo nhận định từ các chuyên gia, đầu tư vào nông nghiệp cần vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi chậm. Rất nhiều ưu đãi về vốn cho các doanh nghiệp sản xuất nông sản, đặc biệt đối với doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này. Phía nhà nước cũng đang tích cực kêu gọi các nguồn đầu tư, chủ yếu là đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL, trong đó, TP Cần Thơ luôn là trọng điểm.Tính đến nay, ĐBSCL đã thu hút được 736 dự án với tổng vốn đăng ký 10.614 tỉ USD, chiếm 5% cả nước, trong đó, các nhà đầu tư Hồng Kông có 33 dự án với tổng vốn đăng ký là 569.930 triệu USD. Hồng Kông cũng đang là một đối tác rất lớn đối với hàng nông sản xuất khẩu của thành phố nên họ đang rất tích cực đầu tư vào lĩnh vực này.
4.3.3.3 Cơ sở hạ tầng, vật chất, thiết bị
Trong những năm qua, thực hiện chỉ thị từ phía nhà nước, TP Cần Thơ đã thực hiện những cải cách trong cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp xuất khẩu. Hiện nay, thành phố đã hình thành 7 KCN tập trung, được Chính phủ quy hoạch và đầu tư xây dựng với tổng diện tích 2.516 ha, gồm: Khu chế xuất và công nghiệp Trà Nóc I: 135 ha; KCN Trà Nóc II :165 ha; KCN Hưng Phú I: 390 ha; KCN Hưng Phú II: 226 ha; KCN Thốt Nốt: 600 ha; KCN Ô Môn: 600 ha; KCN Bắc Ô Môn: 400 ha. Hệ thống giao thông đường bộ cũng được mở rộng và sửa chữa, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch nối với các khu công nghiệp, nối các tỉnh, tuyến giao thông nông thôn được mở rộng góp phần giúp thuận lợi hơn trong vận chuyển và thu mua nguyên liệu. Có thể kể đến công trình đường Võ Văn Kiệt (khánh thành tháng 4/2012) nối trung tâm thành phố với Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ; tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ (khánh thành 19/5/2012) nối trung tâm thành phố với vùng nông thôn huyện Phong Điền, vùng nông nghiệp trọng điểm. Những thay đổi này tạo điều kiện rất lớn cho xuất khẩu của thành phố nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng.
Về phía doanh nghiệp, những năm qua, được sự hỗ trợ từ phía nước ngoài cũng như vốn vay trong nước nên thiết bị, máy móc sản xuất và quy trình sản xuất cũng được cải tiến theo công nghệ tiên tiến hiện nay. Giữa tháng 10 năm 2014, thành phố sẽ tổ chức Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành
Công nghệ sau thu hoạch tại thành phố Cần Thơ (Techmart Cần Thơ 2014), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xem xét, định hướng đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị, tạo ra những sản phẩm có giá thành cạnh tranh và đảm bảo chất lượng. Trong thời gian diễn ra, nhiều công nghệ và thiết bị sẽ được quảng bá đến doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ hội lớn để các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ sản xuất mới, mở ra cánh cửa xâm nhập thị trường lớn, khó tính.
4.3.3.4 R&D
Hoạt động R&D tại các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu dựa trên định hướng của Chính phủ. Vì thế, công tác R&D tại các doanh nghiệp chưa được chú trọng, chưa kể đến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa lập phòng chức năng này. Doanh nghiệp vẫn chưa thật sự nhận thức được rằng nhu cầu đổi mới, sáng tạo phải xuất phát từ các doanh nghiệp. Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần quan tâm thúc đẩy đổi mới sang tạo.
Về phía các cơ quan nhà nước, nên đề ra các chiến lược nghiên cứu và phát triển phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng doanh nghiệp. Việc nghiên cứu không chỉ dừng lại ở sản phẩm hay quy trình sản xuất mà phải nghiên cứu và phát triển cả thị trường xuất khẩu và khách hàng. Cần sự hợp tác của lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp trong công tác phát triển R&D, một bộ phận rất quan trọng trong doanh nghiệp hiện đại.
4.3.3.5 Marketing
Marketing có vai trò quyết định và điều phối sự kết nối các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với thị trường, đặc biệt, Marketing quốc tế còn quan trọng hơn đối với việc tiếp cận khách hàng ngoài nước. Hiện nay, hoạt động Marketing của doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ chủ yếu là: nghiên cứu mở rộng thị trường, nghiên cứu nhu cầu khách hàng để có thể đưa ra các chiến lược phù hợp cho doanh nghiệp.
Về sản phẩm xuất khẩu: cần phải đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của khách hàng cũng như các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng của các cơ quan chức năng tại thị trường nhập khẩu. Đây là một vấn đề đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp thành phố. Đối với các đối tác nước ngoài thì sản phẩm hàng nông sản của các doanh nghiệp TP Cần Thơ vẫn còn nhiều thiếu sót và không bắt mắt đối với người tiêu dùng cuối cùng. Nguyên nhân của sự việc này là do các doanh nghiệp chưa tập trung tìm hiểu kỹ về thị hiếu của khách hàng của nước đối tác hay những tiêu chuẩn về mẫu mã do nước nhập khẩu quy định. Bên cạnh đó, các quy định về chất lượng đang đặt ra bài toán khó
cho các doanh nghiệp. Làm thế nào để chứng tỏ được sản phẩm của mình đẹp về bên ngoài và tốt về chất lượng bên trong là điều rất quan trọng hiện nay khi các mặt hàng nông sản của thành phố cần có những bước tiến lớn để phát triển ở nước ngoài. Tuy nhiên, có những dấu hiệu đáng mừng khi các nổ lực “chiều lòng” khách hàng của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt về mẫu mã và chất lượng, đang dần có những hiệu quả nhất định.
Về giá cả: giá cả cạnh tranh luôn là một biện pháp thu hút khách hàng hiệu quả nhất. Tuy nhiên, cũng tùy theo từng mặt hàng và từng quan điểm của thị trường mà đề ra giá cả phù hợp mới là vấn đề quan trọng nhất. Các thị trường đang phát triển nhưng thị trường Châu Phi, các nước Trung Đông hay Đông Nam Á có thể sẽ chuộng hàng hóa có giá cả thấp, trong khi đó, các thị trường phát triển như Châu Âu, Nhật, Mỹ, có thu nhập cao sẽ không quan tâm lắm về giá mà ở họ, chất lượng mới là điều cần thiết nhất. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của thành phố thì vấn đề xử lý nguồn nguyên liệu theo thời vụ vẫn còn kém hiệu quả. Điều này dẫn đến có lúc giá nguyên liệu đầu vào rất cao khi trái vụ nên sản phẩm sản xuất ra sẽ có chi phí lớn làm cho việc định giá của doanh nghiệp khó khăn. Ngoài ra, trong tình cảnh lạm phát gia tăng liên tục ở một số thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các chiến lược bình ổn giá thích hợp để không làm mất khách hàng mà vẫn có lợi cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu của bộ phận Marketing trong vấn đề giá cả sản phẩm.
Về hệ thống phân phối: Các doanh nghiệp nông sản ở TP Cần Thơ thường xuyên chọn hình thức xuất khẩu trực tiếp để bán hàng sang nước ngoài nhưng khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng họ không biết đó là sản phẩm của Việt Nam. Hệ thống kênh phân phối, bán lẻ ở các thị trường chưa được xây dựng hợp lý, một phần do các quy định của nước ngoài gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước, mặt khác do tập quán làm ăn của doanh nghiệp chưa chú trọng đến vấn đề này. Chính vì lẽ đó mà thương hiệu nông sản Việt cũng nhưng TP Cần Thơ chưa được biết đến rộng rãi.
Về xây dựng thương hiệu: Hiện nay, xây dựng thương hiêu được nói đến rất nhiều trong các bài phân tích, hội nghị doanh nghiệp nhưng biện pháp giải quyết vấn đề đó vẫn chưa thực sự hiệu quả. Các hội trợ hàng nông sản tại nước ngoài phần nào giúp khách hàng và đối tác nước ngoài biết đến nông sản Cần Thơ nhiều hơn nhưng ý thức và các tham gia của doanh nghiệp vào các sự kiện này thực sự chưa tốt. Đa phần các doanh nghiệp tham gia là các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi, vì thế, cơ hội của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng có sản phẩm chất lượng hơn dường như là không có.
Tóm lại, công tác Marketing đang dần được chú trọng ở các doanh nghiệp khi họ nhận thức rằng đây là con đường duy nhất để sản phẩm của họ đế tay người tiêu dùng quốc tế. Tuy nhiên làm thế nào để Marketing hiệu quả, chiến lược Marketing nào đem lại thành công vẫn là vấn đề khiến các doanh nghiệp đau đầu.