Trong báo cáo kết quả ứng dụng hệ thống canh tác lúa bảo vệ môi trường: Việc áp dụng SRI theo hướng tiếp cận nông nghiệp sinh thái tạo một môi trường đất và không khí tốt để cây lúa có thể phát huy hết tiềm năng di truyền cho năng suất cao. So với phương pháp thâm canh lúa truyền thống SRI đã làm giảm chi phí sản xuất thông qua giảm 70-75 % thóc giống, tiết kiệm 40-50% nước tưới (rất phù hợp với thực tế là khan hiếm nước ngày càng tăng), giảm 50 -100% thuốc trừ cỏ và trừ sâu, giảm phân bón hoá học. SRI làm tăng năng suất lúa 13-29 %, tăng thu nhập từ 8- 32%, làm lợi cho nông dân từ 1,8 – 3,5 triệu đồng/ha/vụ”. Đến cuối vụ đông xuân 2009, Việt Nam đã có trên 264.000 nông dân áp dụng toàn phần và từng phần SRI trên 85.422 ha tại 21 tỉnh miền Bắc. Đặc biệt là trong 6 tỉnh có chương trình hỗ trợ của Oxfam Hoa kỳ, Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD), Cục bảo vệ thực vật và Đại học Thái Nguyên số diện tích áp dụng SRI đã lên tới 43%. Việt Nam có tổng diện tích lúa là trên 8 triệu ha, nếu 50% diện tích này áp dụng SRI thì chi phí sẽ giảm rất nhiều, trong khi sản lượng thóc lại tăng lên từ 3 đến 4 triệu tấn thóc, làm lợi trực tiếp cho người dân ước tới từ 7 đến 14 ngàn tỉ đồng, môi trường sống của họ được cải thiện hơn và đóng góp làm giảm thiểu biến đổi khí hậu [17].