Thứ nhất, có một quan hệ đồng biến giữa TC và q; khi sản lượng thấp, mức tổng chi phí sẽ thấp và ngược lại, khi cần tăng sản lượng lên cao hơn, tổng chi phí cần bỏ ra cũng cao hơn. Điều này chúng ta đã đề cập. Thứ hai, khi sản lượng còn thấp, mặc dù khi gia tăng sản lượng, tổng chi phí sẽ tăng theo, song tốc độ tăng của tổng chi phí sẽ thấp hơn tốc độ tăng của sản lượng. Về mặt đồ thị, nếu biểu thị sản lượng trên trục hoành và biểu thị mức tổng chi phí trên trục tung, thì điều nói trên có nghĩa là: khi ta di chuyển sang bên phải (tăng sản lượng), thì đồng thời ta phải di chuyển lên trên (tăng mức tổng chi phí), song đường tổng chi phí có xu hướng di chuyển sang phải với tốc độ cao hơn là lên phía trên. Nói cách khác, trong phạm vi này, tỷ số ∆(TC)/∆q ngày càng giảm khi q tăng hay độ dốc của đường tổng chi phí có xu hướng giảm dần. Thứ ba, xu hướng vừa nói trên chỉ phù hợp trong pham vi một khoảng sản lượng nào đó. Khi sản lượng được sản xuất ra đã tương đối cao, tình hình sẽ thay đổi. Lúc này, nếu tiếp tục tăng sản lượng, sự gia tăng trong tổng chi phí sẽ nhanh hơn sự gia tăng trong sản lượng. Nói cách khác, tỷ số ∆(TC)/∆q sẽ ngày càng tăng theo chiều tăng của sản lượng q. Độ dốc của đường tổng chi phí giờ đây có xu hướng tăng dần. Đường tổng chi phí có xu hướng vươn nhanh lên trên hơn là vươn sang phải. Như vậy, đường tổng chi phí điển hình được hình dung là có hai khoảng, thể hiện hai xu hướng khác nhau trong sự thay đổi của độ dốc. Theo chiều tăng của sản lượng, thoạt đầu độ dốc của đường TC giảm dần. Tuy nhiên, quá một ngưỡng sản lượng nào đó, độ dốc của đường TC lại tăng dần. Điểm ranh giới của sự thay đổi này chính là điểm uốn của đường TC. Một đường cong bậc ba chính là một sự mô tả khá tốt những đặc tính trên của đường tổng chi phí.