Di tích ở ấp 4, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Tại đây, ngày 17-02-1928, diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa một gia đình nông dân với địa chủ, để tranh chấp đất đai. Hiện di tích cánh đồng Nọc Nạng đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Nơi đây ghi dấu sự đấu tranh kiên cường của người nông dân Bạc Liêu trước các thế lực cường bạo. Nọc Nạng là tên một con rạch chạy từ lũng Non Vật đổ ra kinh xáng Bạc Liêu - Cà Mau cắt quốc lộ 1 A, tại km 2215. Cánh đồng ven rạch đó về phía Đông gọi là đồng Nọc Nạng. Sự kiện đồng Nọc Nạng xảy ra vào năm 1928, anh em nông dân Mười Chức không chịu sự áp bức của Pháp và địa chủ đã nổi dậy đấu tranh bảo vệ đồng đất tại đây. Sự kiện Chuyện bắt đầu vào năm 1927, Mã Ngân (một địa chủ có tiếng ở Cà Mau) thấy đất đai của gia đình ông Nguyễn Văn Tại trù phú nên nảy sinh lòng tham. Sau khi giở nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt mà không được, Mã Ngân bèn lừa bán phần đất của gia đình ông Tại cho bà Hồ Thị Trân - vợ quan huyện. Hồ Thị Trân đến lấy đất thì bị gia đình ông Tại phản đối kịch liệt, nên bà đã mượn thế lực quân Pháp để trấn áp. Ngày 17-02-2008, một nhóm quan chức chính quyền gồm: Tuorier, Bouzou, phó quản vệ Danh Long, cảnh sát làng Diệp Chấn Phan, lính làng Lê Hữu Lịch, Phan Văn The cùng thông ngôn xuống Giá Rai để tiếp tay với hương chức làng thi hành ấn lệnh của quan tòa, lấy số lúa trên phần đất của anh em ông Tại. Dẫn đường vô đồng Nọc Nạng có hương quản Cho, hào Biêu, tằng khạo Viết, lính quận Khoa và một số người đi theo để đong lúa. Hay tin, anh em ông Tại, người cầm dao mác, người lấy xà beng, người cầm gậy gộc sẵn sàng trong tư thế chiến đấu Trong cuộc chống trả này, gia đình ông Tại mất 4 người là: Mười Chức (em ông Tại), vợ ông Mười Chức (cùng đứa con trong bụng), Năm Mẫn (em ông Tại), Sáu Nhịn (em ông Tại). Về phía bên kia thì tên Tounier bị thương nặng (qua ngày sau thì chết) và vài tên khác bị thương. Mấy người còn lại trong gia đình ông Tại đều bị bắt và kết tội là "dậy loạn, chống công quyền, giết người". Nhưng không vì thế mà chùn bước, gia đình ông Tại lại tiếp tục gửi đơn khiếu nại… Báo chí cũng lên án mạnh mẽ. Trước dư luận của công chúng cuối cùng bên Chính quyền Pháp phải ra Nghị định trả đất cho gia đình ông Tại. Sự kiện này từng được tái hiện trong vở cải lương Máu thắm đồng Nọc Nạng và bộ phim Đất Phương Nam của đạo diễn Vinh Sơn - sản xuất năm 1997. Di tích Di tích gồm 2 phần: sân phơi lúa và khu mộ ông bà Tám Luông (song thân ông Mười Chức) - cùng các anh em ông, cách nhau khoảng 300 m. Khu mộ ông bà Tám Lương được anh em ông Mười Chức đắp sau khi ông bà mất. Nền mộ rộng khoảng 700 m 2 , cao 50 cm, bên trên có xây nhà mồ. Nhà rộng 30 m 2 tường xây cao 1,20 m cửa quay về hướng Nam. Tường bao nhà mồ được xây bằng gạch thẻ chừa ô cách khoảng nhau, tạo không gian khoáng đạt. Khu thờ tự có mái che uốn cong đúc bê tông cốt thép 20 x 20. Bệ thờ cách nền 50 cm, được bày trí đơn giản, lát gạch bông 20 x 20 màu đỏ và màu vàng xen kẽ. Mộ ông Tám Luông (phía Tây) và bà Tám Luông (phía Đông) quay ra hướng cổng (phía Nam). Mộ có kích thước 2 x 0,8 x 1,05 m; nấm xây tròn là khối hình thang cạnh trên 0,80 m, cạnh dưới 1m - mặt trước ghi tên, năm mất. Xung quanh mộ trang trí hoa văn đắp nổi chạy dọc gần 4 đường xung song song. Hai ngôi mộ cách nhau 1,5 m. Sau sự kiện Nọc Nạng, những người bị thảm sát được chôn rải rác gần đó. Đến năm 1963, tất cả các ngôi mộ đều được quy tập về chung một khu. Năm 2008, nhân kỷ niệm 80 năm ngày xảy ra sự kiện đồng Nọc Nạng, huyện Giá Rai đã tiến hành trùng tu, mở rộng khu di tích. Công trình được khánh thành ngày 16-02-2008. Khu di tích này có diện tích hơn 3.000 m 2 , gồm các hạng mục trùng tu, mở rộng: khu mộ gia đình Mười Chức, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, cụm tượng tái hiện trận đánh giữa gia đình Mười Chức và bọn Tây cướp lúa với tổng đầu tư trên 8 tỷ đồng. Hằng năm, vào ngày mồng 9 Tết Nguyên đán, nhân dân huyện Giá Rai tổ chức lễ hội rất trọng. Lễ hội đồng Nọc Nạng được tỉnh Bạc Liêu chọn làm hoạt động tham gia chương trình năm Du lịch Quốc gia Mekong - Cần Thơ 2008. Di tích Nọc ng - Ảnh: Hoàn g Chí Hùng