1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Văn học phật giáo thuận quảng thế kỷ xvii xviii diện mạo và Đặc Điểm

225 0 0
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Nội dung

Văn học phật giáo thuận quảng thế kỷ xvii xviii diện mạo và Đặc Điểm Văn học phật giáo thuận quảng thế kỷ xvii xviii diện mạo và Đặc Điểm

Trang 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Phan Thạnh

VĂN HỌC PHẬT GIÁO THUẬN QUẢNG THẾ KỶ XVII-XVIII:

DIỆN MẠO VÀ ĐẶC ĐIỂM

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC

Hà Nội - 2021

Trang 2

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Phan Thạnh

VĂN HỌC PHẬT GIÁO THUẬN QUẢNG THẾ KỶ XVII-XVIII:

DIỆN MẠO VÀ ĐẶC ĐIỂM

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 62 22 01 21

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: GS.TS Trần Ngọc Vương

Hà Nội - 2021

Trang 3

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi Các kết quả nghiên cứu trong luận án là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình nào khác

Nghiên cứu sinh

Phan Thạnh

Trang 4

LỜI CẢM ƠN

Để hoàn thành luận án này tôi chân thành tri ân quý thầy cô giảng viên, cán bộ nhân viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Đặc biệt, tôi thành kính tri ân sâu sắc đến Thầy hướng dẫn Khoa học GS.TS Trần Ngọc Vương, người đã tận tình giúp đỡ tôi trong suốt quá trình thực hiện luận án này

Tôi chân thành niệm ân quý Chư tôn đức Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; quý thầy cô Viện Văn học, Viện Hán Nôm, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2; quý thầy cô Hội đồng đánh giá luận án các cấp đã nhiệt tâm chỉ bày, góp ý để tôi hoàn thiện luận án

Cũng qua đây, cho phép tôi gửi lời tri ân sâu sắc đến Tăng chúng Chùa Hà Úc, Chùa Tra Am cùng quý huynh đệ Pháp lữ, thân hữu Phật tử… đã động viên và khích lệ tinh thần giúp tôi hoàn thành luận án

Tôi xin thành kính tri ân./

Huế, ngày 15 tháng 11 năm 2021

Nghiên cứu sinh

Phan Thạnh

Trang 5

MỤC LỤC

Trang Lời cam đoan

Mục lục

MỞ ĐẦU 4

1 Lý do chọn đề tài 4

2 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 5

3 Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu 6

4 Phương pháp nghiên cứu 6

1.1.1 Khái niệm Văn học Phật giáo 8

1.1.2 Danh xưng xứ Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII 15

1.1.3 Văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII 17

1.2 Tình hình sưu tầm và khảo cứu văn bản văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII 18

1.2.1 Tình hình sưu tầm văn bản văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII ……….18

1.2.2 Tình hình phiên dịch và khảo cứu văn bản văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII 21

1.3 Tình hình nghiên cứu văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII23 1.3.1 Văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII trong các công trình nghiên cứu Phật học 23

1.3.2 Văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII trong các công trình nghiên cứu lịch sử văn học 28

Tiểu kết 36

Trang 6

Chương 2 PHẬT GIÁO THUẬN QUẢNG 37

VÀ VĂN HỌC THUẬN QUẢNGTHẾ KỶ XVII - XVIII 37

2.1 Phật giáo Thuận Quảngthế kỷ XVII - XVIII 37

2.1.1 Bối cảnh xã hội vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII 37

2.1.2 Phật giáo Thuận Quảng-sự du nhập và phát triển các tông phái Phật giáo 39 2.1.3 Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII trên phương diện đồng đại - lịch đại 46

2.2 Văn học Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII 49

2.1.2 Văn học Thuận Quảng phát triển trong nền văn học Việt Nam 49

2.2.2 Phật giáo với văn học Thuận Quảng thế kỷ XVII – XVIII 53

Trang 7

3.4.3 Ca ngợi các bậc cao Tăng 125

Tiểu kết 127

Chương 4 ĐẶC ĐIỂM VĂN HỌC PHẬT GIÁO THUẬN QUẢNG 129

THẾ KỶ XVII - XVIII 129

4.1 Tiếp biến tư tưởng của văn học Phật giáo Việt Nam 129

4.1.1 Trung chuyển những giá trị của văn học Phật giáo Đàng Ngoài 129

4.1.2 Quan điểm tu hành và tinh thần nhập thế 131

4.2 Dung hợp các hệ tư tưởng Phật – Nho – Đạo 135

4.2.1 Dung hợp các hệ phái Phật giáo 135

4.2.2 Chủ trương “cư Nho mộ Thích” 139

4.2.3 Dung hợp Tam giáo Phật - Nho - Đạo 144

4.3 Quan niệm về thi học - thiền học và xu hướng vận động của văn học Phật giáo Thuận Quảng 153

4.3.1 Cởi mở trong quan niệm Thi học, Thiền học 153

4.3.2 Xu hướng đời sống hóa tác phẩm văn học Phật giáo 159

Trang 8

MỞ ĐẦU 1 Lý do chọn đề tài

Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong tư tưởng văn hóa, văn học Việt Nam Ở những thế kỷ đầu độc lập, tư tưởng Phật giáo đã ảnh hướng lớn đến nền văn học viết của dân tộc Lực lượng sáng tác là các Thiền sư và khuynh hướng chủ yếu trong văn học thời này vẫn là khuynh hướng văn học Phật giáo Cho đến nay, Phật giáo dù không còn là hệ tư tưởng duy nhất của Việt Nam nhưng nó vẫn có ảnh hưởng sâu trong tâm thức, văn hóa của dân tộc Việt

Lịch sử Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc biến động thay ngôi đổi chúa Tuy nhiên những biến động đó không có tác dụng tích cực trong ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt bằng việc Nguyễn Hoàng xin triều đình Lê Trịnh vào trấn thủ Thuận Quảng với mưu tính lâu dài Được vua Lê chúa Trịnh đồng ý, năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng Thuận Hóa, sau đó kiêm quản xứ Quảng Nam Nhận lệnh vua Lê, năm 1593 Nguyễn Hoàng đem quân ra Bắc đánh dẹp nhà Mạc Sau lần trở về vào năm 1600, Nguyễn Hoàng chính thức ly khai khỏi chính quyền Lê Trịnh, lập ra một vương triều mới Chúa Nguyễn đã thực hiện nhiều chính sách để xây dựng và phát triển vùng Thuận Quảng trở thành một trung tâm kinh tế chính trị đủ sức đối kháng lại chính quyền Lê Trịnh Trong đó, chính sách Nam tiến đã mở rộng cương giới lãnh thổ đến tận Nam Bộ, hình thành một vùng Đàng Trong rộng lớn, hoàn chỉnh gần như bản đồ Đại Việt ngày nay

Mặc dù Thuận Quảng chỉ là một vùng lãnh thổ mới thuộc về người Việt nhưng lại có vị trí quan trọng trong chỉnh thể của lịch sử, chính trị, văn hóa tư tưởng Việt Nam Sự khu biệt, độc lập lãnh thổ trong hai thế kỷ XVII-XVIII đã khiến vùng Thuận Quảng có những đặc điểm riêng biệt và đã có những ảnh hưởng với quá trình phát triển của văn hóa và văn học Việt Nam

Để xây dựng một vương quyền vững mạnh, chúa Nguyễn đã lấy Phật giáo làm tư tưởng chủ đạo để cố kết nhân tâm, xây dựng văn hóa, tư tưởng nhất quán cho vùng Thuận Quảng Phật giáo đã ảnh hưởng lớn đến văn học vùng Thuận Quảng, tạo nên dòng văn học Phật giáo mang nhiều biệt sắc Mặc dù là văn học của một tôn giáo ở vùng đất mới nhưng văn học Phật giáo đã góp phần

Trang 9

quan trọng về diện mạo và đặc điểm của văn học Thuận Quảng thời bấy giờ Đồng thời đã đóng vai trò trung chuyển và đẩy nền văn học Phật giáo về phía Nam, tạo cho văn học Phật giáo Việt Nam thành một dòng chảy liên tục

Văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII- XVIII có vị trí nhất định trong dòng chảy của văn học dân tộc nên tác giả tác phẩm dần dần đã được sưu tầm, nghiên cứu và xuất bản Tuy nhiên trên tổng quan tình hình nghiên cứu văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII- XVIII nói riêng và văn học Phật giáo Đàng Trong nói chung vẫn chưa được quan tâm đúng mức Để khẳng định vị trí của văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII thì cần thiết có những công trình đầy đủ nhằm nghiên cứu mô tả diện mạo và chỉ ra những đặc điểm nổi bật của văn học Phật giáo Thuận Quảng trong giai đoạn này

Những tiền đề lý luận và thực tiễn trên đã thôi thúc chúng tôi lựa chọn

hướng nghiên cứu này với đề tài Văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ

XVII - XVIII: Diện mạo và đặc điểm

2 Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là văn học Phật giáo Thuận Quảng Phạm vi nghiên cứu là diện mạo và đặc điểm văn học Phật giáo vùng Thuận Quảng trong hai thế kỷ XVII và XVIII Mốc thời gian được xác định cụ thể vào năm 1600 với sự kiện Nguyễn Hoàng trở lại Thuận Quảng, chính thức ly khai khỏi triều đình Lê Trịnh cho đến năm 1802 với sự kiện Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long

Hiện tại chưa có một tài liệu cụ thể nào tập hợp tất cả những sáng tác văn học Thuận Quảng nói chung và văn học Phật giáo Thuận Quảng nói riêng trong hai thế kỷ này Các công trình sưu tầm nghiên cứu văn học vùng này hầu như chỉ ở tầm vi mô, theo từng tác giả, tác phẩm nhỏ lẻ Chính vì vậy, ngoài việc kế thừa những nghiên cứu này, chúng tôi sẽ khảo sát thực nghiệm, sưu tầm văn bản văn học Phật giáo tại các tủ sách của các chùa Tổ, tự viện ở vùng Thuận Quảng Bên cạnh những tác phẩm từ hai nguồn tư liệu trên sẽ là phạm vi để chúng tôi khảo sát, mô tả, nhận định, đánh giá văn học Phật giáo Thuận Quảng, chúng tôi còn so sánh với các tác giả tác phẩm ở phía Bắc - Đàng

Trang 10

Ngoài và ở phía Nam - vùng văn học Gia Định và vùng văn học Hà Tiên để thấy được rõ hơn biệt sắc của văn học Phật giáo Thuận Quảng

3 Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

Lựa chọn đề tài Văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII:

Diện mạo và đặc điểm với những nội dung nghiên cứu cụ thể trên đây, chúng

tôi nhắm đến hai mục tiêu cơ bản:

- Phác thảo những vấn đề cơ bản, từ lịch sử địa lý đến nguồn gốc du nhập - hình thành - phát triển tư tưởng Phật giáo qua các thời kỳ, các tông phái tại vùng Thuận Quảng Từ đó, mô tả diện mạo của nền văn học Phật giáo Thuận Quảng ở các khía cạnh: hệ thống tác giả, hệ thống thể loại, hệ thống ngôn ngữ và đề tài phản ánh

- Thông qua việc mô tả diện mạo, luận án sẽ đi sâu phân tích, so sánh đánh giá và nêu lên những đặc điểm nổi bật của văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII

4 Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp nghiên cứu văn học sử: Đây là phương pháp chủ yếu vì đề tài của luận án là đề tài văn học sử Văn học Phật giáo Thuận Quảng sẽ được nhìn nhận trong trục đồng đại và lịch đại để xác định sự phân kỳ, khoanh vùng

văn học

- Phương pháp loại hình học: Xác lập đặc thù loại hình văn học chức năng mà ở đây là văn học Phật giáo Từ đó nhìn nhận đối tượng nghiên cứu theo từng loại hình cụ thể như hệ thống tác giả, hệ thống chủ đề - đề tài, hệ

thống ngôn ngữ, hệ thống thể loại

- Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Chúng tôi sử dụng những thành tựu về phương pháp nghiên cứu của các ngành khoa học như lịch sử, tôn giáo, văn hóa, triết học… Điều chú ý ở đây, vì đối tượng nghiên cứu là văn học Phật giáo mà Phật giáo chú trọng đến Tâm và tư duy Phật giáo là tư duy tổng hợp, trực cảm tâm linh nên ngoài những kiến thức căn bản cảm nhận văn học cần phải có kiến thức Phật học, trực cảm cá nhân và quá trình chiêm nghiệm mới

thấy rõ hết được bản chất đặc điểm của đối tượng

Trang 11

- Phương pháp so sánh, đối chiếu: Phương pháp này được sử dụng để chỉ ra những kế thừa và đặc trưng riêng của văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII so với Đàng ngoài ở phía Bắc và văn học Gia Định, Hà

Tiên ở phía Nam

Việc nêu ra các phương pháp một cách tách bạch rõ ràng chỉ là tương đối bởi phần lớn chúng được đan xen nhau trong khi phân tích, trình bày, lý

giải từng đối tượng cụ thể

Luận án trình bày các đặc điểm cơ bản của văn học Phật giáo Thuận Quảng, từ đó sẽ góp phần trong việc nhận diện những yếu tố mang tính bản sắc, đặc thù, đặc trưng của văn hóa vùng

Luận án khẳng định lại vị trí của Phật giáo trong lịch sử tư tưởng, văn hóa và văn học của dân tộc Việt

Luận án sẽ là tư liệu tham khảo cho các chuyên ngành liên quan về Văn học cũng như Phật học

Chương 3: Diện mạo văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII Chương 4: Đặc điểm văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII

Trang 12

NỘI DUNG Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1 Những vấn đề chung

1.1.1 Khái niệm Văn học Phật giáo

Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương trong “Nghiên cứu thơ Thiền ở Việt Nam - đôi điều suy ngẫm” đã băn khoăn rằng: “Văn học viết Việt Nam trong những thế kỷ đầu tiên có mối quan hệ chặt chẽ với đội ngũ trí thức là tín đồ của Phật giáo, có nội dung gắn bó sâu sắc với những nội dung của học thuyết – tôn giáo này, nhưng tính độc lập của bộ phận văn học này trong lịch sử văn học viết dân tộc đủ mạch lạc để trở thành “nền văn học Phật giáo ở Việt Nam” hay chưa thì cho đến nay vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ” [239, tr 105] Câu hỏi này cũng được nhà nghiên cứu Nguyễn Phạm Hùng đặt ra khi thực hiện công trình

Văn học Phật giáo Việt Nam trong phần “Về khái niệm văn học Phật giáo” Tác

giả Nguyễn Phạm Hùng đã chỉ rõ hai quan điểm của các nhà nghiên cứu, thứ nhất là không công nhận; thứ hai là có một loại văn học được gọi bằng văn học Phật giáo, có những đặc điểm riêng, khu biệt về nội dung và hình thức1 Những giá trị riêng biệt của dòng văn học Phật giáo Việt Nam được khẳng định qua những công trình nghiên cứu của các tác giả như Lê Mạnh Thát, Hà Văn Tấn, Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Công Lý, Nguyễn Phạm Hùng, Nguyễn Thị Việt Hằng2… Thành tựu nghiên cứu văn học Phật giáo trong những năm gần đây có thể khẳng định rằng có một nền văn học chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, tạo thành một dòng văn học riêng biệt gọi là văn học Phật giáo Nguyễn Phạm Hùng cho rằng: “Nhiều nhà nghiên cứu căn cứ trên cơ sở Việt Nam là một quốc gia Phật giáo lâu đời, có một nền văn học nghệ thuật Phật giáo lâu đời, và đặt dưới sự quan sát của những tiêu chí “mở” đã đi tới khẳng định rằng, có văn học Phật giáo tồn tại như bộ phận văn học riêng, thậm chí có thể như

1Xem thêm Nguyễn Phạm Hùng (2015), Văn học Phật giáo Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia

Hà Nội, tr 44 2Lê Mạnh Thát (2001), Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam tập 1-2-3, Nxb Tp Hồ Chí Minh; Nguyễn Công Lý (2003), Văn học Phật giáo thời Lý Trần- diện mạo vàđặc điểm, Nxb Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh; Nguyễn Phạm Hùng (2009), Văn học Phật giáo Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Thị Việt Hằng (2015), Văn học Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII-XIX, Luận án

Tiến sĩ văn học, Học viện Khoa học xã hội Hà Nội

Trang 13

một nền văn học theo những cách hiểu khác nhau” [75, tr 45] Mặc dù vậy,

khái niệm văn học Phật giáo vẫn chưa được thống nhất “Người ta chấp nhận

nó như một hiện tượng tất yếu trong đời sống văn học Việt Nam cổ, nhưng quan niệm về nó chưa thật sự đầy đủ, chặt chẽ, có khi thiếu khách quan, khoa

học” [75, tr 45] Nội hàm khái niệm văn học Phật giáo khá cởi mở, tùy thuộc

vào phạm vi nghiên cứu của mỗi nhà nghiên cứu Có hai luồng ý kiến khác nhau, đó là: 1, Văn học Phật giáo chỉ bao gồm tam tạng kinh điển: Kinh, Luật, Luận - là những tác phẩm nhằm chuyển tải các giáo nghĩa kinh điển nhà Phật; 2, Văn học Phật giáo gồm tất cả các tác phẩm viết về Phật giáo, có liên quan đến Phật giáo, thậm chí có những tác phẩm đả kích, bài chống Phật giáo

Ở quan niệm thứ nhất, văn học Phật giáo là chỉ bao gồm tam tạng kinh

điển Kinh Luật Luận chuyển tải trực tiếp giáo lý Phật gia Trong Dẫn vào thế

giới văn học Phật giáo, Tuệ Sỹ đã quan niệm: “Ý nghĩa đầu tiên của một người

vừa bước đến văn học Phật giáo, tất nhiên sẽ coi đây chỉ là một nền văn học tôn giáo không hơn không kém, trong tính cách “văn dĩ tải đạo” của nó Đối với ý nghĩ bàng quan này, một nền văn học như vậy chỉ có nội dung là đủ, còn hình thức diễn đạt chỉ là vấn đề phụ thuộc” [229, tập 3, tr 8] Tuệ Sỹ trình bày quan niệm của mình như sau:

1 Sơ khởi văn học Phật giáo không từ chối vai trò "truyền đạo" của nó Tức là, chân lý của tôn giáo này, tùy trường hợp, được phô diễn tự do trong mọi thể tài văn học, và coi văn học chỉ như một phương tiện,

thứ yếu, không quan trọng cho bằng nội dung

2 Nhưng, chân lý ở đây mang tính cách nội tại và cá biệt nơi mỗi người, do đó, sự phô diễn của nó cũng bắt đầu như sự bắt đầu của một tác phẩm văn học, nghĩa là, khởi đi từ cảm hứng bộc phát trước một thế

giới của kinh nghiệm tâm linh

3 Trên khía cạnh tôn giáo, chân lý được chứng ngộ là phản ảnh của một thế giới sống động Trên phương diện diễn đạt của văn học là cảm hứng tự phát của một tình tự cá biệt Do đó, lấy tánh Không làm chất, lấy thế giới trùng trùng vô tận làm văn Văn và chất phản chiếu lẫn

Trang 14

nhau tạo thành thế giới toàn diện của văn học Phật giáo [229, tập 3, tr

12]

Tuệ Sỹ không đưa ra quan niệm văn học Phật giáo, nhưng qua những phân tích, tác giả khẳng định: “Trong bất cứ nền văn học nào của Phật giáo, chúng ta có thể thấy rằng, dù khởi sự từ đâu, tất cả mọi nguồn cảm hứng đều qui về nhân cách và đời sống của đức Phật Đây là điều mà chúng ta không thể quên, khi bước vào thế giới văn học Phật giáo Nếu ở nguyên thủy, nhân cách của Thích tôn là hình ảnh của một con người, thì tất cả cảm hứng văn học đều khơi nguồn từ lẽ vô thường, từ tính chất mong manh của cuộc sống Còn ở Đại thừa, đức Phật là một nhân cách siêu việt, do đó cảm hứng văn học cũng được khơi nguồn từ thế giới siêu việt” [229, tập 3, tr 26] Như vậy, tác giả đã xác định nguồn gốc đầu tiên của văn học Phật giáo đó chính là nhân cách của Đức Phật, từ đó xây dựng nên tam tạng kinh điển Đồng thời, cũng chính hình tượng Đức Phật, phong cảnh Già lam tạo cảm hứng cho văn học Hay nói cách khác, văn học Phật giáo trước hết là tam tạng kinh điển, thứ đến là sự ảnh hưởng, nguồn cảm hứng từ Phật giáo

Tác giả Huệ Dân cho rằng: “Văn học Phật giáo là sự sáng tác của từng cá nhân góp lại, xuất phát từ nguồn cảm xúc của các hiện tượng đời sống, được miêu tả, phản ảnh trực tiếp, bằng nhận thức, lý giải và thái độ sống động qua những lời

Đức Phật đã dạy” [250]

Tương tự, tác giả Thích Phước Đạt khẳng định: “Phật giáo vốn được xem là một tôn giáo có hệ thống tam tạng kinh điển vĩ đại nhất so với tất cả các tôn giáo trên thế giới Đây chính là cơ sở được xác lập nền văn học Phật giáo phong phú từ nội dung cho đến hình thức thể hiện” [35, tr 200]

Cao Hữu Đính trong cuốn Văn học sử Phật giáo phân tích sự hình thành

văn học Phật giáo nhưng chỉ ở mức độ là khảo cứu từ Kinh Luật Luận Tương

tự như vậy, tác giả Thích Kiên Định khi nghiên cứu Lược sử văn học Sanskrit

và Hán tạng Phật giáo cũng đi vào phân tích nguồn gốc các tác phẩm chứa

đựng trong tam tạng gồm Kinh Luật Luận Điều này cho thấy văn học Phật giáo ở hai bộ phận Sanskrit và Hán tạng chỉ gói gọn trong Tam tạng kinh điển mà thôi

Trang 15

Như vậy, với quan điểm thứ nhất, là quan điểm của đa số giới nghiên cứu Phật học thì văn học Phật giáo không đi ra ngoài Tam tạng kinh điển Kinh Luật Luận đều là những tác phẩm văn học Phật giáo Quan điểm chỉ xác nhận vấn đề tư tưởng của Phật giáo, chuyên về việc lưu giữ và truyền bá Phật giáo Nói rõ hơn, việc nhìn nhận văn học Phật giáo này chỉ là việc xem Kinh Luật Luận dưới góc nhìn tư tưởng chứ chưa đi vào các tiêu chí của một nền văn học thuần túy, tức bao gồm nội dung và hình thức thể hiện “Quan điểm này rõ ràng không phản ánh đầy đủ và toàn diện những diện mạo và sắc thái của Văn học Phật giáo, đã bó hẹp Văn học Phật giáo trong phạm vi sinh hoạt của nhà chùa và của riêng giới tu hành” [75, tr 48] Quan điểm này hạn chế tác phẩm văn học Phật giáo, đồng thời cũng hạn chế lực lượng sáng tác bộ phận văn học này

Quan niệm thứ hai, văn học Phật giáo bao gồm những tác phẩm có nội dung tư tưởng liên quan đến Phật giáo

Nguyễn Duy Hinh cho rằng: “có thể chia các tác phẩm văn xuôi và văn vần thời Phật giáo cực thịnh thành ba loại.[…] Loại thứ nhất là các tác phẩm bình giảng lý thuyết Phật giáo [ ], các bài tụng cổ, các bài kệ Chính đó mới là văn học Phật giáo thuần túy bàn giáo lý và tu hành; loại thứ hai là những áng văn chương chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo Nội dung loại văn thơ này bàn về sinh tử vô hữu tâm Phật [ ]; loại thứ ba là các tác phẩm không dùng từ ngữ hay có dùng ít nhiều từ ngữ Phật giáo song tuyệt nhiên không mang nội dung Phật giáo” [62, tr 5-6] Tác giả đã mở rộng phạm vi văn học Phật giáo gồm những tác phẩm thuần túy và những tác phẩm chỉ ảnh hưởng Phật giáo

Lê Mạnh Thát trong “Lời nói đầu” của bộ sách Tổng tập Văn học Phật

giáo Việt Nam đã nhấn mạnh sẽ giới thiệu trên 40 tác giả bao gồm sáng tác của

các Thiền sư, vua quan và các vị Nho sĩ Điều này chứng tỏ, tác giả đã mở rộng phạm vi văn học Phật giáo, bao gồm ngoài những tác phẩm trực tiếp chuyển tải giáo lý Phật gia còn có những tác phẩm ảnh hưởng tư tưởng của Phật giáo

Trong bài “Thử phân định hai mạch cảm hứng trong dòng văn học Việt Nam mang đậm dấu ấn Phật giáo thời Trung đại”, Trần Thị Băng Thanh cho rằng: “Bộ phận văn học mang đậm dấu ấn Phật giáo và cho rằng bộ phận văn học này có hai mạch cảm hứng: (1) những tác phẩm trực tiếp bàn về triết học,

Trang 16

giáo lý và cả biện pháp tu hành; (2) những khái niệm, những nội dung triết học sâu sắc của đạo Phật, cả cảnh Già lam chỉ là những gợi ý, những luồng ánh sáng để tiếp dẫn thi nhân cảm hứng về cuộc đời sâu sắc hơn” [dẫn theo 115, tr 47]

Nguyễn Phạm Hùng trong bài “Văn học Phật giáo một chi lưu quan trọng trong văn học trung đại Việt Nam” đã khẳng định: “đứng ở một góc độ nhất định, văn học Phật giáo chính là một sản phẩm nghệ thuật của Phật giáo Nó luôn thể hiện sự không tách bạch rõ ràng giữa yếu tố thế tục và tôn giáo Vì thế không nên đòi hỏi văn học Phật giáo chỉ thuần túy phản ánh những nội dung Phật giáo và bằng những hình thức chỉ riêng Phật giáo” [74, tr 44] Ông cho rằng “Văn học Phật giáo là khái niệm chỉ toàn bộ những tác phẩm văn học viết về đời sống Phật giáo, hay mang cảm hứng Phật giáo khi phản ánh cuộc sống hiện thực Những đặc điểm Phật giáo là yếu tố chi phối quan trọng nhất đối với toàn bộ quá trình sáng tạo văn học, từ lực lượng sáng tác (những nhà tu hành hay những người am tường và yêu mến Phật giáo) đến mục đích sáng tác (dùng để ngộ đạo, truyền đạo hay bộc lộ thái độ, tâm trạng, tình cảm Phật giáo đối với cuộc sống), từ nội dung tư tưởng (các đề tài, chủ đề, cảm hứng sáng tác) đến các hình thức nghệ thuật (trong việc lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ Phật giáo, các thể loại và biện pháp nghệ thuật có yếu tố Phật giáo thích hợp), từ quá trình mã hóa đến quá trình giải mã nghệ thuật của văn học Phật giáo” [74, tr 50]

Nguyễn Công Lý khi nghiên cứu Văn học Phật giáo thời Lý - Trần: Diện

mạo và đặc điểm đã giới thuyết rằng: “Những tác phẩm của bộ phận văn học

Phật giáo phải trực tiếp hay gián tiếp thể hiện tư tưởng, giáo lý nhà Phật, đề cập đến Phật hay liên quan đến nhà chùa Có khi những tác phẩm đó mang nội dung bài xích Phật giáo, chống lại nhà chùa nhưng vẫn được nhà chùa chấp nhận” [115, tr 178] Nguyễn Công Lý đã lặp lại quan niệm Văn học Phật giáo

này trong chuyên luận Văn học Việt Nam thời Lê Mạc, Nam Bắc phân tranh:

“Văn học Phật giáo là một bộ phận văn học nằm trong cấu trúc tổng thể của văn học Việt Nam Bộ phận văn học này góp phần làm cho văn học viết Việt Nam thêm phong phú, đa dạng và có chiều sâu về mặt tư tưởng Về nội dung tư tưởng, bộ phận văn học này được sáng tác dưới sự ảnh hưởng, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp và thể hiện tư tưởng Thiền Phật, hay mang cảm quan Thiền

Trang 17

Phật Về đề tài phản ánh, tác phẩm văn học Phật giáo dứt khoát phải thể hiện tư tưởng Thiền Phật, mang cảm quan Thiền Phật dù trực tiếp hay gián tiếp Đó là những tác phẩm viết về cảnh Già lam, về sư sãi, trong đó có cả những tác phẩm bài Phật, chống sư của các nhà Nho viết ra nhưng được nhà chùa chấp nhận” [118, tr 195] Nguyễn Công Lý đã mở rộng khái niệm về văn học Phật giáo và quan niệm này đã giúp cho tác giả đạt nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu dòng văn học Phật giáo

Thích Huệ Thông với bài Vài ghi nhận về văn học Phật giáo Việt Nam

đã nhận xét: “Trong không gian văn học, văn học Phật giáo là một bộ phận nằm trong cấu trúc tổng thể, nhưng nó lại mang tính độc lập với những giá trị đặc thù của tri thức Phật học và Thiền học” [196, tr 196] Tác giả cho rằng “không gian văn học Phật giáo bao gồm cả hệ thống Kinh, Luật, Luận trong tam tạng Kinh điển; hệ thống pháp ngữ bao hàm tạng quảng lục cả ba tông phái Thiền tông, Mật tông và Tịnh độ tông; bên cạnh đó, từ cội nguồn kinh điển Đại thừa đã phát xuất ra các dòng mạch văn học mang tính đặc trưng của từng kinh bộ, như văn học Bát Nhã, văn học Hoa Nghiêm, Văn học Kim cang, văn học Pháp Hoa Ngoài ra còn có cả một kho tàng tác phẩm văn học đồ sộ bao gồm lịch sử Phật giáo, lịch sử văn học Phật giáo, hệ thống từ điển về Phật học, báo chí Phật giáo, văn, thơ, truyện, chú giải, giảng luận, lý luận, tùy bút và các thể loại văn học khác do các bậc Thiền sư, hành giả, hàng thức giả trong và ngoài đạo Phật tham gia trước tác, dịch thuật, luận giải qua nhiều thời kỳ lịch sử” [196, tr 197] Tác giả chia làm ba nhóm tác phẩm, “nhóm thứ nhất là những tác phẩm điển phạm, bao gồm Kinh Luật Luận được truyền tụng từ thời đức Phật; nhóm thứ hai bao gồm hệ thống pháp ngữ được hàng đệ tử Phật trước tác

để phô bày chân lý, chẳng hạn như Tín tâm minh của Tam tổ Tăng Xán, hay

Pháp Bảo Đàn kinh của Lục tổ Huệ Năng; và nhóm thứ ba là nhóm tác phẩm

văn học thuần túy, không thuộc hệ thống kinh điển và pháp ngữ, nó bao hàm nhiều đề tài, chủng loại được tác giả trước tác, biên soạn, dịch thuật sau này Trong nhóm thứ ba này nó lại bao gồm hai thành phần, đó là nhóm tác phẩm văn học Phật giáo với các tác phẩm biện giải, lý luận, thuyết giảng về Phật học và nhóm tác phẩm chịu ảnh hưởng bởi đạo lý từ bi hỷ xả, thuyết nhân duyên,

Trang 18

nhân quả của Phật giáo” [196, tr 198-199] Như vậy, việc phân chia các nhóm tác phẩm một cách rõ ràng chứng tỏ khái niệm văn học Phật giáo đã mở rộng phạm vi

Tác giả Nguyễn Thị Việt Hằng khi thực hiện Luận án Tiến sĩ “Văn học

Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII-XIX” (2015) đã giới thuyết: “chúng tôi nhận

thấy các tác phẩm chuyển tải giáo lý đạo Phật là văn học Phật giáo theo đúng nội hàm khái niệm, tuy nhiên ở thế kỷ XVII-XIX còn có những tác phẩm mang cảm hứng hoặc chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, đây có thể xem như hai nguồn mạch bổ trợ cho nhau, tạo nên diện mạo phong phú cho cả giai đoạn văn học” [60, tr 8]

Khi nghiên cứu Phật giáo với văn học Trung Quốc, tác giả Tôn Xương Vũ cho rằng:

“Trong giới học thuật, khái niệm “văn học Phật giáo” có nghĩa rộng và nghĩa hẹp Theo nghĩa rộng, nó chỉ những tác phẩm văn học chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, mang nội dung tư tưởng Phật giáo Theo nghĩa hẹp, nó chỉ những kinh điển Phật giáo có giá trị văn học Nói chặt chẽ ra thì giữa kinh điển tôn giáo và tác phẩm văn học là có ranh giới rõ ràng Kinh điển tôn giáo, dù được biểu hiện bằng cách nào thì về căn bản vẫn là thể hiện những giáo nghĩa tôn giáo, phục vụ cho việc tuyên truyền tôn giáo; còn tác phẩm văn học là một loại hình thái ý thức độc lập Nhưng xét cụ thể thì Phật điển thực sự là một sự dung hợp, đan xen giữa tôn giáo với văn học Về mặt tuyên truyền tôn giáo, kinh điển Phật giáo nhằm mục đích tăng cường ảnh hưởng tôn giáo, nhưng trên thực tế tác dụng của Phật điển đã vượt xa ra ngoài phạm vi đó Những Phật điển giàu tính văn học, không những có giá trị văn học lớn mà còn có tác dụng sâu xa đối với việc phát triển văn hóa” [237, tr 33]

Mỗi nhà nghiên cứu trình bày khái niệm văn học Phật giáo ở một khía

cạnh khác nhau nhưng chung quy đã mở rộng khái niệm, từ đó có thể đánh giá đầy đủ vị trí của dòng văn học Phật giáo trong nền văn học dân tộc Kế thừa những khái niệm của các nhà nghiên cứu đi trước, ở đây chúng tôi hiểu khái

Trang 19

niệm: Văn học Phật giáo bao gồm tất cả những tác phẩm viết về Phật giáo, ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo dù trực tiếp hay gián tiếp

1.1.2 Danh xưng xứ Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII Xứ Thuận Quảng là tên gọi chung của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam Trước đây vùng đất này của người Chăm, được gọi là Châu Ô, Châu Lý Sau sự kiện hôn nhân của Công chúa Huyền Trân với Vua Chế Mân năm 1306 thì vùng này thuộc về Đại Việt Trải qua các mốc thời gian 1402, 1471, 1611, vùng đất Thuận Quảng thuộc quyền sở hữu của Chúa Nguyễn kéo dài từ sông Gianh (Linh Giang, thuộc Quảng Bình ngày nay) đến tận tỉnh Phú Yên ngày nay Ngoài xứ Thuận Quảng, chúa Nguyễn còn mở rộng lãnh thổ vào tận Hà Tiên, lúc này gọi chung là Đàng Trong

Tiêu chí phân chia ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài vẫn không rõ ràng như ta nghĩ Bởi vùng tranh chấp của chính quyền Lê Trịnh với chúa Nguyễn kéo dài từ Nam Nghệ An đến Quảng Bình Tuỳ vào từng thời kỳ mạnh yếu của hai bên mà các cuộc tranh chấp lãnh thổ cũng diễn ra khác nhau Hai tập đoàn Lê Trịnh - Nguyễn đánh nhau trong vòng gần 46 năm với 7 trận đánh lớn Sự tranh chấp thôn tính lẫn nhau khiến cả hai bên đều kiệt quệ và sau đó đi đến quyết định hưu chiến, lấy sông Gianh làm ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài Thuận Quảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII còn có tên gọi là Nam Hà, Đàng Trong chỉ vùng lãnh thổ phía Nam Việt Nam do chúa Nguyễn cai trị

Danh xưng Thuận Quảng được nhiều tác giả sử dụng khi nhắc đến vùng phía Nam sông Gianh Các tác giả ở Bắc Hà gọi vùng đất phía Nam sông Gianh

với nhiều tên gọi khác nhau Chẳng hạn, Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục đã

khảo lịch sử hình thành vùng đất này ở cuốn 1 với tên gọi là “Thuận Quảng”; Nguyễn Huy Quýnh gọi xứ Thuận Hóa Quảng Nam là “Quảng Thuận” trong

cuốn Quảng Thuận đạo sử tập, được “biên soạn trong quãng thời gian từ năm

Ất Mùi (1775) đến năm Ất Tỵ (1785), từ thời gian ông tham gia cuộc chiến năm 1775 tới thời gian làm Đốc thị Thuận Quảng” [133, tr 7]; Phạm Nguyễn

Du trong cuốn Nam Hành đắc ký tập gọi vùng này là “Nam Hà”; tương tự, Lê Đản cũng gọi đây là “vùng Nam Hà” trong cuốn Nam hà tiệp lục…

Trang 20

Mặc dù Thuận Quảng là tên gọi chung hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam nhưng rõ ràng vùng Thuận Quảng có những đặc điểm chung của văn hóa vùng Đất đai Thuận Hóa, Quảng Nam đã được một bộ phận người Việt cư trú và sinh hoạt trong một thời gian khá dài nhưng thưa thớt, nhỏ lẻ Trong ý niệm lúc bấy giờ Thuận Quảng là vùng biên viễn, vùng phên dậu Cho đến khi Nguyễn Hoàng trấn nhậm mới thật sự thay đổi một cách toàn diện Những lưu dân Việt ban đầu đến đây còn rất nhiều bỡ ngỡ, e dè trước một nền văn hóa đã được Ấn Độ hóa của người Chăm Khi Nguyễn Hoàng trấn nhậm, một lượng lớn cư dân ở vùng Thanh - Nghệ theo chân vào đây Người Việt mang theo văn hóa gốc từ phía bắc sông Gianh khi vào đây và cộng hưởng với nền văn hóa bản xứ tạo nên nét đặc sắc riêng biệt của vùng đất này Trên mặt địa lý tự nhiên, giữa Thuận Hóa và Quảng Nam bị cắt ngang (từ Đông sang Tây) bởi ngọn núi Hải Vân cao nên thời tiết có phần khác biệt Tuy nhiên trong tâm thức xã hội (thể hiện rõ trong văn học) thì hai xứ này lại mang những đặc điểm chung, tạo nên văn hóa vùng Thuận Quảng là vùng đất mới, là vùng đất của sự hợp nhập, của sự bao dung Gọi chung hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam thành xứ/ vùng Thuận Quảng chính là vì vậy Cũng có nghĩa rằng, Thuận Quảng là một trung tâm văn hóa/ học của Đàng Trong thế kỷ XVII-XVIII, bên cạnh hai trung tâm

khác là Gia Định và Hà Tiên Trong Luận án Văn học Đàng Trong thế kỷ

XVII-XVIII trong tiến trình phát triển của văn học dân tộc (bảo vệ năm 2017), Trần

Thanh Thủy cũng đã xác định Đàng Trong hình thành ba trung tâm văn học, trong đó khẳng định vùng văn học Thuận Quảng hình thành sớm nhất

Trong luận án này, chúng tôi xác định xứ Thuận Quảng trên mặt địa giới bắt đầu từ sông Linh Giang đến núi Thạch Bi thuộc Phú Yên ngày nay

Mốc thời gian thế kỷ XVII - XVIII được chúng tôi tính từ năm 1600 với sự kiện Nguyễn Hoàng trở lại Thuận Quảng đến năm 1802 với sự kiện Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long Như vậy, nhắc đến xứ Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII tức là nhắc đến vùng đất này dưới thời cai trị của cả chính quyền chúa Nguyễn và Tây Sơn

Trang 21

1.1.3 Văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII Xác định nội hàm khái niệm Văn học Phật giáo và định vùng Thuận Quảng như trên, chúng tôi khoanh vùng văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII bao gồm những tác phẩm chuyển tải tư tưởng Phật giáo, ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo và cả những tác phẩm đả kích Phật giáo viết ở vùng Thuận Quảng trong hai thế kỷ XVII - XVIII Lực lượng sáng tác bao gồm những tác giả sinh sống trên vùng Thuận Quảng Tuy nhiên lại có những trường hợp ngoại lệ:

Trường hợp đầu tiên là những tác giả từ nơi khác đến có sáng tác tại

vùng Thuận Quảng như Thiền sư Thích Đại Sán với Hải ngoại kỷ sự Tuy nhiên với Hải ngoại kỷ sự, chúng tôi chỉ sử dụng những đơn vị tác phẩm nhắc

đến phong cảnh xứ Thuận Quảng có liên quan đến cảnh Già lam, Sư sãi Còn những đơn vị tác phẩm viết về quê hương của Thiền sư thì không sử dụng Tác

phẩm Hải ngoại kỷ sự chủ yếu để tham khảo, qua đó hiểu phần nào về phong

khí văn học tại Thuận Quảng Trường hợp Đào Duy Từ, mặc dù từ Đàng Ngoài vào Thuận Quảng nhưng qua hai bài vãn cho thấy sự lựa chọn thể loại của Đào Duy Từ có nguyên do từ tính khách quan Bởi thể vãn là xu hướng sáng tác tạo nên đặc điểm vùng Thuận Quảng

Trường hợp thứ hai là những tác giả sinh thành ở Thuận Quảng nhưng sau đó lại chuyển ra Đàng Ngoài Trường hợp Thiền sư Hương Hải là một điển hình Thiền sư sinh ra ở Quảng Nam, làm quan, sau đó xuất gia và hóa độ nhiều đệ tử Khi bị nghi ngờ, Thiền sư đã cùng 50 đệ tử bỏ ra Đàng Ngoài Thiền sư để lại rất nhiều tác phẩm trong quãng thời gian sống tại Thuận Quảng và tiếp tục sáng tác khi ra Đàng Ngoài Vì Thiền sư sinh sống lâu dài ở Thuận Quảng nên chắc chắn tư tưởng văn hóa văn học của Thuận Quảng đã chi phối sáng tác của Thiền sư Tuy nhiên chúng tôi cũng chỉ sử dụng các tác phẩm của Thiền sư Hương Hải để tham khảo đối sánh chứ không thuộc riêng lực lượng sáng tác của văn học vùng Thuận Quảng

Trường hợp Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài (1757-1834) sáng tác vắt qua hai thế kỷ XVIII - XIX, tức là đã vượt qua mốc thời gian thế kỷ XVIII nhưng chúng tôi vẫn để Thiền sư trong lực lượng sáng tác ở Thuận Quảng Dựa vào

Trang 22

nghiên cứu, chúng tôi cho rằng, sáng tác của Thiền sư là sự tổng hợp thành tựu văn học của hai trăm năm trước đó, là tác giả thừa hưởng trọn vẹn biệt sắc của văn học Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII

1.2 Tình hình sưu tầm và khảo cứu văn bản văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII

Ở hai thế kỷ XVII - XVIII, Việt Nam nói chung và vùng Thuận Quảng nói riêng, văn học tiếp nối truyền thống từ nhiều thế kỷ trước Trong đó hệ thống văn tự ngôn ngữ được sử dụng để sáng tác bao gồm hệ thống chữ Hán và chữ Nôm Chính vì vậy, để nghiên cứu văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII cần phải tìm hiểu tình hình sưu tầm văn bản và quá trình dịch giải chú thích những văn bản ấy

1.2.1 Tình hình sưu tầm văn bản văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII

Để lưu lại những văn bản văn học Phật giáo thế kỷ XVII - XVIII trước hết phải kể đến công trạng của các đệ tử ở mỗi ngôi chùa Vì những văn bản này là di cảo, bút tích của các thế hệ Tổ sư nên các vị đệ tử có trách nhiệm lưu giữ và bảo tồn như một di sản quý hiếm

Thời trung đại, các nhà Nho đã có ý thức sưu tầm, biên soạn, định giá những di sản thơ văn và lưu giữ tác phẩm văn học của các bậc tiền bối Tiêu

biểu gồm có Lê Quý Đôn với tác phẩm Kiến văn tiểu lục, Bùi Huy Bích với tác phẩm Hoàng Việt thi tuyển, Hoàng Việt văn tuyển, Phan Huy Chú với Lịch

triều hiến chương loại chí, Trần Viết Thọ - Nguyễn Phúc Hồng Vịnh với Hàm Long sơn chí Tác phẩm của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú là sự gợi mở để

hậu thế biết được danh mục tác phẩm còn lại của tiền nhân Trong số những gợi mở đó có văn học Phật giáo vùng Thuận Quảng Sau Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú thì người có công trong việc sưu tập văn học Phật giáo Thuận Quảng từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX là Trần Viết Thọ - Nguyễn Phúc Hồng Vịnh

(Điềm Tịnh cư sĩ và Như Như đạo nhân) với tác phẩm Hàm Long sơn chí Các

tác phẩm này vẫn dùng chữ Hán để nghiên cứu, phê bình Chính vì vậy, để nắm được tính giá trị văn học thời này cần phải đọc - hiểu được các tác phẩm này

Trang 23

Bước sang thời hiện đại, các nhà nghiên cứu văn học tiếp tục sưu tầm, dịch giải, chú thích và đánh giá giá trị tác phẩm văn học của tiền nhân Các nhà nghiên cứu dùng chữ Quốc ngữ (Latin) trong việc nghiên cứu tác phẩm

Công trình mang tính chất thuần khiết văn học Thuận Quảng nói riêng và

Đàng Trong nói chung là công trình của tác giả Nguyễn Q Thắng với tựa đề Văn

học Việt Nam nơi miền đất mới Tác giả đã nhận xét: “Văn học Việt Nam phát

triển trong một hành trình dài kể từ buổi bình minh mở cõi của tiền nhân ta; trong đó có phần đóng góp không nhỏ của tiến trình văn học Đàng Trong Sự

đóng góp nhiều mặt đó của Văn học Việt Nam nơi miền đất mới khiến nó trở

thành một bộ phận không thể thiếu đối với văn học Việt Nam; chính nó đã góp phần làm sáng giá cho văn hoá sử dân tộc Nó hiện hữu toả sáng hồn tính dân tộc tràn đầy như vậy, nhưng từ lâu nay vẫn chưa có một công trình nào có thể “khải phát” cho khoảng trống đó “Văn học Việt Nam - Nơi miền đất mới” như một

“phác đồ” nhằm vẽ lại đường đi của hơn 500 năm văn học khởi đi từ „Ngọa Long

cương vãn, Nguyễn triều khai quốc công nghiệp diễn chí, Ô châu cận lục, Song Tinh bất dạ, Sãi Vãi, Hoài Nam khúc ‟ đến các tác phẩm của nhà văn có mặt tới

những năm cuối thế kỷ XX” [180, tr 10] Tác giả công trình đã sưu tầm và biên soạn những tác giả văn học từ đầu thế kỷ XVII Đây là một công trình có giá trị trong việc lưu giữ và bảo tồn văn học Đàng Trong nói chung và văn học Phật giáo nói riêng

Những tác phẩm văn học Phật giáo Thuận Quảng của các tác giả Thiền sư như Thiền sư Diệu Nghiêm Luật Truyền, Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài, Thiền sư Hương Hải ; Những tác giả là Nho sĩ như Đào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh, chúa Nguyễn… cơ bản đã được tuyển dịch Các bài thơ, văn của các nhà Nho viết về Thiền, Phật, chùa chiền, sư sãi người đọc có thể tìm thấy trong các

bộ hợp tuyển, tinh tuyển văn học Việt Nam như Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập 3, Nxb Văn học, Hà Nội 1962,1963; Tinh tuyển văn học Việt Nam, tập 4, 5, 6, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004; Tổng tập văn học Việt Nam từ tập 4

đến tập 22, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995-1997 Quan tâm đến tư liệu Phật giáo miền Trung, vùng Thuận Quảng, mở rộng là Đàng Trong phải tính đến công lao của Lê Mạnh Thát với công sức thực tế

Trang 24

thực địa sưu tầm từ các chùa, tổ đình, tự viện từ địa giới sông Gianh đến hết phía Nam đất nước Những công trình sưu tầm, phiên dịch và chú thích của Lê Mạnh Thát về Phật giáo và văn học Phật giáo miền Trung - Thuận Quảng hết sức quý báu cho việc tìm hiểu, mô tả diện mạo và đặc điểm nổi bật của văn học Phật giáo vùng Thuận Quảng

Ngoài ra còn phải kể đến trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang (cơ sở tại chùa Huệ Quang- Thành phố Hồ Chí Minh) với đội ngũ chuyên sâu Hán Nôm cùng kiến thức Phật học đã sưu tầm, dịch thuật, chú thích và gợi mở rất

nhiều vấn đề về văn bản văn học Phật giáo Thuận Quảng Tập san Suối Nguồn

là tờ công bố nhiều tư liệu mới của trung tâm dịch thuật Huệ Quang Đây là thành quả quan trọng trong việc sưu tầm tư liệu về văn bản văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII

Chuyên san Liễu Quán do Ban Văn hóa thuộc Ban trị sự Giáo hội Phật

giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trương đã có những chuyên đề về văn hóa, lịch sử Phật giáo từ Nghệ An đến Phú Yên đáng chú ý Mỗi số một chuyên đề chuyên sâu về tình hình Phật giáo, hành trạng của chư Tổ Phật giáo qua những văn bản Hán Nôm mới phát hiện trong những lần thực địa Chuyên san

Liễu Quán công bố nhiều tư liệu quý về văn bia, thi kệ phú pháp, đặc biệt là hệ

thống mộc bản chứa đựng nhiều bài tựa, bạt Cùng với việc nghiên cứu thư tịch cổ và khảo sát thực địa, Chuyên san

Liễu Quán đã phát hiện ra chùa Trấn Hải - nơi Thiền sư Quảng Trí trú trì thế kỷ

XVII thuộc địa phận Thừa Thiên Huế hiện nay Từ đó khẳng định tác phẩm

Thập mục ngưu đồ tụng luận giải của Thiền sư Quảng Trí được viết tại vùng

Thuận Quảng mà trước đây, khi dịch tác phẩm này, Trần Đình Sơn không rõ ngôi chùa Trấn Hải là ở đâu, và vị “Thánh Thượng” ấy là ai Đây là một tác phẩm có giá trị lớn và có vị trí quan trọng trong hệ thống văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII

Ngoài ra còn có các học giả là những nhà tu hành đã sưu tầm văn bản từ những tủ sách Thiền môn tại các cơ sở chùa chiền Họ cung cấp một lượng lớn các văn bản gồm cả viết tay, mộc bản, và in ấn

Trang 25

1.2.2 Tình hình phiên dịch và khảo cứu văn bản văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII

Nghiên cứu Phật giáo và văn học Phật giáo xứ Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII, trước hết phải kể đến những công trình viết về hành trạng và tác phẩm của các vị Thiền sư thuộc giai đoạn này của các nhà Phật học như Nguyễn Lang - Thích Nhất Hạnh, Thích Mật Thể, Thích Minh Tuệ; các công trình đồ sộ của Lê Mạnh Thát, Thích Hải Ấn, Thích Như Tịnh, Thích Đồng Dưỡng Thứ hai là các công trình của các nhà nghiên cứu về văn học Phật giáo như Đinh Gia Khánh, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Hữu Sơn, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Công Lý, Trần Hồng Liên, Phan Đăng, Đoàn Lê Giang

Công trình Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, gồm 3 tập,

Nxb Lá Bối Sài Gòn in lần đầu vào năm 1973, đã nêu lên cốt lõi tư tưởng của các Thiền phái, trong đó có hai dòng Thiền khởi phát ở xứ Thuận Quảng là dòng Thiền Liễu Quán và dòng Thiền Chúc Thánh Tác giả thông qua các thi kệ truyền pháp, thi kệ thị tịch, văn thơ của các Thiền sư nổi tiếng để khẳng định sự phát triển của tư tưởng triết học Phật giáo và đời sống văn học Thiền môn giai đoạn này

Lê Mạnh Thát là người có công lao lớn trong việc sưu tầm, phiên dịch và chú thích hàng loạt những tác phẩm giai đoạn từ đầu thế kỷ đến thế kỷ XX, XXI

Trong số đó phải kể đến những tác phẩm đã được phiên dịch chú thích như Tổng

tập văn học Phật giáo Việt Nam, Lịch sử Phật giáo Việt Nam Đây là hai công

trình đồ sộ, có cái nhìn tổng quát về Phật giáo Việt Nam cũng như Văn học Phật

giáo Việt Nam từ đầu thế kỷ dựng nước đến thế kỷ XX Dự kiến bộ Tổng tập

Văn học Phật giáo Việt Nam sẽ in toàn bộ tác phẩm mà Lê Mạnh Thát cho đó là

tác phẩm thuộc văn học Phật giáo Tuy nhiên, đến nay, bộ này chỉ mới in được 3

tập gồm tác phẩm đầu tiên là Lý Hoặc Luận của Mâu Tử (160-220) đến tác phẩm

Thiền Uyển tập anh Bên cạnh đó, Lê Mạnh Thát đã cho xuất bản các bộ như: Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài với đầy đủ

khảo cứu, phiên dịch, chú thích từng đơn vị tác phẩm

Trang 26

Qua công trình Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Lê Mạnh Thát đã nghiên

cứu sâu vấn đề văn bản học và đi đến kết luận: “59 bài thơ gọi là của Minh Châu

Hương Hải chép trong Hương Hải Thiền sư ngữ lục, mà Lê Quý Đôn chọn lại

được 42 bài, kể luôn cả một bài mà ông chép vào phần trích văn và ghi vào trong

Kiến văn tiểu lục 9, thì có đến 43 bài là trích hoàn toàn từ các tác phẩm Thiền tông

Trung Quốc” [172, tr 57-58] Lê Mạnh Thát nhận định việc xác định văn bản học như thế là để yên tâm nghiên cứu đóng góp của Thiền sư Hương Hải về những phương diện như văn học, triết học và Phật giáo

Thích Giới Hương tuyển dịch Văn Bia chùa Huế và lưu hành từ năm 1994

Đây là công trình sưu tầm, phiên dịch và chú thích những bài văn bia ở chốn Thiền môn xứ Huế Công trình có nhiều giá trị trong việc nghiên cứu văn bản ở thể loại văn bia của văn học Phật giáo xứ Thuận Hóa

Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức xuất bản năm 1995,

Nxb TP Hồ Chí Minh, là công trình viết về lịch sử Phật giáo Tuy nhiên, tác giả đã dành riêng một chương (XIII) để liệt kê những tác phẩm văn học Phật giáo của vùng Thuận Quảng giai đoạn này

Năm 2001, cuốn Lịch sử Phật giáo xứ Huế do Thích Hải Ấn - Hà Xuân

Liêm biên soạn, đã khái lược sự hình thành Phật giáo xứ Huế nói riêng và Phật giáo Thuận Quảng nói chung Bằng cách viết về lịch sử Phật giáo xứ Huế bắt đầu hình thành và phát triển qua các giai đoạn, các tác giả đã ghi chép những bài thi kệ truyền pháp, kệ thị tịch, kệ truyền giáo của các vị Thiền sư

Năm 2010, Thích Trung Hậu - Thích Hải Ấn tiếp tục giới thiệu cuốn Chư

tôn đức Phật giáo Thuận Hóa cũng nêu rõ hành trạng của các vị cao Tăng kèm

theo những bài kệ Đây là phần văn bản quan trọng trong việc nghiên cứu văn học Phật giáo Thuận Quảng

Tương tự, các tác phẩm về lịch sử từng tỉnh mà trước đây thuộc xứ Thuận Quảng cũng nghiên cứu theo hướng trên Viết về Phật giáo Quảng Nam có

cuốn Hành trạng chư Thiền đức xứ Quảng, Lịch sử truyền thừa Thiền phái

Chúc Thánh của Thích Như Tịnh; Phật giáo Phú Yên của Nguyễn Đình Chúc -

Thích Như Tịnh; Những ngôi chùa tiêu biểu trong tỉnh Bình Định của Lộc

Xuyên Đặng Quý Địch…

Trang 27

Thích Như Tịnh công bố tài liệu “Tự tự chung thân tâm sự bổn mạt giới

tối môn đệ tử y thuyết tu hành” trên Tập san Suối Nguồn cho biết rõ tiểu sử

Toàn Nhật Tác giả đã làm rõ nhiều sự kiện trong cuộc đời của Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài mà trước đó Lê Mạnh Thát, Thích Phước An1 đã có những nhận định mang tính chất phán đoán chưa chính xác

Với các công trình kể trên chỉ là những nghiên cứu bước đầu để chúng ta thấy được những thành tựu nghiên cứu không chỉ về Phật giáo mà quan trọng hơn đó là tính cấp thiết của việc sưu tầm, phiên dịch và nghiên cứu văn bản văn học Phật giáo Trên thực tế, rất nhiều văn bản vẫn tồn tại trong các chùa chiền, tổ đình, tự viện ở nguyên bản chữ Hán - Nôm Việc sưu tầm, phiên dịch và nghiên cứu văn bản học để hoàn thiện một tổng tập văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII là một điều hết sức khó khăn Các văn bản văn học trong những công trình này sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho việc triển khai đề tài luận án của chúng tôi

1.3 Tình hình nghiên cứu văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII

Nghiên cứu văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII thường đi theo hai hướng chính, đó là: (1) nghiên cứu từ góc độ tôn giáo - Phật học để khái quát các giai đoạn lịch sử Phật giáo thông qua các Thiền sư tiêu biểu - họ cũng chính là tác giả văn chương, đồng thời phân tích những trước tác tiêu biểu; (2) nghiên cứu từ góc độ văn chương mà xem xét từng khía cạnh văn học

như tiểu sử, sự nghiệp sáng tác, tư tưởng… của các tác giả

1.3.1 Văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII trong các công trình nghiên cứu Phật học

Phật giáo Thuận Quảng chỉ ở cấp độ một tôn giáo vùng nhưng lại mang những đặc điểm nổi bật, là bộ phận quan trọng của Phật giáo Việt Nam nên được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm Chẳng hạn, Thích Mật Thể đã trình bày

về sự phát triển của Phật giáo trong công trình Việt Nam Phật giáo sử lược

1Lê Mạnh Thát trong Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài (Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 1979), Thích Phước An trong Đường về núi cũ chùa xưa (Nxb Hồng Đức, 2006) đều cho rằng

Thiền sư Toàn Nhật từng làm tướng cho nhà Tây Sơn, sau vì thấy anh em Tây Sơn bất hòa nên đã trảấn từ quan, xuất gia tu học

Trang 28

(1942) Tác giả đã dành chương Tám và chương Chín để trình bày về “Phật giáo thời Nam Bắc phân tranh” và “Phật giáo dưới thời Nguyễn” Tuy nhiên, do đứng từ cương vị lịch sử nên tác giả chỉ nêu lên những bài kệ hoặc những sáng tác để thống kê những nhân vật tiêu biểu mà thôi

Năm 1973, Nguyễn Lang cho ra đời công trình Việt Nam Phật giáo sử

luận đầy công phu và giá trị Tác giả đã nhìn nhận Phật giáo Thuận Quảng qua

những Thiền sư tiêu biểu Mặc dù có đi vào phân tích một vài sáng tác nhưng chủ yếu là để đánh giá sự phát triển của Phật giáo Việt Nam qua các giai đoạn

Năm 1988, cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam do Nguyễn Tài Thư chủ

biên cũng nói đến Phật giáo trong thời kỳ chia cắt của các tập đoàn Phong kiến thế kỷ XVI-XVIII ở chương XI Tác giả đã phân tích khá chi tiết cuộc đời và hành trạng, tư tưởng các Thiền sư nổi tiếng, trong đó có các Thiền sư vùng Thuận Quảng

Năm 1995, Nguyễn Hiền Đức cho ra đời cuốn Lịch sử Phật giáo Đàng

Trong 2 tập (Nxb Thành phố Hồ Chí Minh) với dung lượng gần 900 trang Có

thể nói đây là công trình viết về lịch sử Phật giáo Đàng Trong công phu và giá trị nhất Tác giả đã đánh giá sự phát triển Phật giáo ở Đàng Trong trong từng giai đoạn cụ thể Đồng thời thống kê những dòng Thiền - tông phái đã ảnh hưởng đến tư tưởng Phật giáo ở Đàng Trong Tác giả đã dành nguyên chương XIII với tiêu đề “Ảnh hưởng của Phật giáo trong nền văn học Đàng Trong” để nói đến văn học Phật giáo Đàng Trong Tác giả đã kể ra những nhà văn lớn trong nền văn học như Đào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh, Ngô Thế Lân, Nguyễn Dưỡng Hạo, Phạm Thị Lam Anh, Nguyễn Phúc Tứ, Mạc Thiên Tích… Trong số này, ngoài Mạc Thiên Tích thì tất cả đều là tác giả thuộc xứ Thuận Quảng

Năm 2001, cuốn Lịch sử Phật giáo xứ Huế do Thích Hải Ấn - Hà Xuân

Liêm biên soạn đã trình bày việc hình thành Phật giáo xứ Huế nói riêng và Phật giáo Đàng Trong nói chung Tác giả nêu lên sự hình thành và phát triển Phật giáo xứ Huế qua các thời kỳ với những Thiền sư tiểu biểu Đặc biệt, tác giả đã kể đến những bài kệ truyền pháp, kệ thị tịch để làm minh chứng cho tư tưởng của các Thiền sư

Trang 29

Năm 2007, Hà Xuân Liêm cho xuất bản cuốn Những chùa tháp Phật giáo

ở Huế đã mô tả những ngôi chùa nổi tiếng ở Huế Trong đó tác giả đã liệt kê

những Thiền sư có sáng tác văn chương Tương tự, năm 2010, Thích Trung

Hậu - Thích Hải Ấn viết Chư tôn đức Phật giáo Thuận Hóa cũng nêu rõ hành

trạng của các vị cao Tăng kèm theo những bài kệ

Viện Nghiên cứu Phật học Viện Nam chủ trương tủ sách Phật giáo và

dân tộc đã công bố nhiều công trình về Phật giáo Việt Nam Trong đó tập 4

năm 2014 với tựa đề Phật giáo thời Hậu Lê có 45 bài viết về Phật giáo thời

Hậu Lê, trong đó có 15 bài trực tiếp đánh giá tình hình phát triển của Phật giáo vùng Thuận Quảng - Đàng Trong dưới thời Hậu Lê Tương tự, năm 2015 công

bố tập 5 với tựa đề Phật giáo thời Nguyễn đã quy tụ những bài viết nổi bật về

Phật giáo thời Nguyễn, đánh giá vai trò và vị trí của chúa - Bồ tát Nguyễn Phúc Chu trong việc mở mang bờ cõi, phát triển đất nước, cũng như ảnh hưởng đến văn học

Bên cạnh những công trình nghiên cứu Phật giáo chung vùng Đàng Trong thì có các công trình nghiên cứu Phật giáo trong từng khu vực địa chính

(với đơn vị hành chính ngày nay là Tỉnh) như Hành trạng Chư Thiền đức xứ

Quảng, Lịch sử truyền thừa Thiền phái Chúc Thánh của Thích Như Tịnh; Lược sử chùa chư tôn Phú Yên trong và ngoài tỉnh của Nguyễn Đình Chúc; Những ngôi chùa tiêu biểu trong tỉnh Bình Định - tập thượng quyển thượng của Lộc

Xuyên Đặng Quý Địch, Lịch sử Phật giáo Quảng Ngãi và những ngôi chùa

Quảng Ngãi của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi…

Các công trình này đều viết về Phật giáo trên phương diện lịch sử, đồng thời liệt kê những bài kệ phú pháp, thị tịch…

Năm 2014, Trần Nguyên Việt đã công bố bài viết về “Sự phục hưng của

Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVIII” đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội Việt

Nam, số 1(74) Ông đã trình bày sơ lược con đường xuất gia tu học và tư tưởng

của các tác giả như Thiền sư Hương Hải, Nguyên Thiều, Liễu Quán… để minh chứng cho sự phục hưng của Phật giáo thế kỷ XVIII

Trang 30

Ngoài những công trình nghiên cứu tổng quan về Phật giáo xứ Thuận Quảng, có đề cập đến những sáng tác văn học của các tác giả, còn có các bài nghiên cứu riêng biệt từng tác giả, tác phẩm

Thiền sư Liễu Quán là vị Thiền sư nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn không chỉ riêng Phật giáo vùng Thuận Quảng mà còn Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVIII Có rất nhiều bài viết nghiên cứu hành trạng, sự nghiệp và thơ kệ của

Thiền sư Liễu Quán Các công trình nghiên cứu lịch sử như Việt Nam Phật

giáo sử luận (Nguyễn Lang); Lịch sử Phật giáo Đàng Trong (Nguyễn Hiền

Đức); Lịch sử Phật giáo xứ Huế (Thích Hải Ấn - Hà Xuân Liêm); Phật học phổ

thông (Thích Thiện Hoa); Lược sử chùa Thiền Tôn và tổ Liễu Quán truyền thừa

(Thích Kiên Định)… đều đánh giá cao vai trò của Tổ sư Liễu Quán Trong chuyên đề pháp thoại về “kệ truyền thừa phái Thiền Lâm Tế Liễu Quán”, Thiền sư Nhất Hạnh còn cho rằng, hơn 90% Tăng sĩ ở Miền Trung đều thuộc dòng Thiền này

Thích Thái Hòa với bài “Tổ sư Liễu Quán: Hành tung và thi kệ thị tịch”

trên báo Giác Ngộ (2011) đã nêu rõ hành trạng của Thiền sư Liễu Quán Đồng

thời phân tích đoạn ngữ lục đối đáp giữa Thiền sư Minh Hoằng với Thiền sư Liễu Quán Tác giả còn phân tích sâu bài kệ truyền pháp và kệ thị tịch của Thiền sư và khẳng định “bài kệ thị tịch của Tổ sư Liễu Quán vừa có tính tác

dụng giác tỉnh nội quán, để thể chứng pháp thân thường trú hay thể tính Không,

bất sinh, bất diệt, nơi tự tâm và vạn hữu, đồng thời cảnh báo cho học trò và những thế hệ tiếp sau, đừng dong ruổi tìm cầu Thầy Tổ bên ngoài, mà luống uổng công phu tu tập và đồng thời cũng cảnh báo cho những người lãnh đạo xã hội đương thời, không nên biến Tổ tông trở thành một công cụ sắc thanh, danh tướng để phục vụ cho thời đại, mà cụ thể là danh tướng cho bản ngã của chính mình” [252] Mặc dù phân tích để thấy rõ tư tưởng của Thiền sư Liễu Quán nhưng đây là một nhận định có tính định hướng trong việc tìm hiểu văn học Phật giáo Thuận Quảng

Trên Tạp chí Khoa học - Đại học Huế tập 72A, số 3/2012 có bài viết

“Thiền sư Liễu Quán và Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVIII” của Phan Đăng Tác giả đã giới thiệu Thiền sư Liễu Quán với hành trạng và sự thành lập Thiền

Trang 31

phái Liễu Quán Tác giả đã trích dẫn những bài kệ của Thiền sư Liễu Quán để làm căn cứ khoa học, thể hiện tư tưởng của Thiền sư Liễu Quán

Nguyễn Phúc Vĩnh Ba với bài “Văn bản chữ Hán ở khu tháp Tổ Liễu

Quán” trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 196/ 2014 đã sưu tầm, dịch nghĩa và

phân tích nội dung văn bia ở khu tháp Thiền sư Liễu Quán Đây được xem là bài viết có giá trị trong việc nghiên cứu văn bản văn học Thuận Quảng

Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo là một Thiền sư nổi tiếng, khai sáng dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam Ngài cũng để lại những bài kệ nhiều giá trị Tìm hiểu về hành trạng và sự nghiệp hoằng hóa cũng như sáng tác có thể

kể đến các công trình của Thích Như Tịnh như Hành trạng chư Thiền đức xứ

Quảng (2008), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh (2009) Trong

các công trình này còn đề cập đến các vị cao tăng Thiền sư có sáng tác, có kệ, có ngữ lục được tác giả ghi chú rõ ràng

Thích Phước An với cuốn Đường về núi cũ chùa xưa (2016) đã khảo cứu

về các tác giả tác phẩm văn học Phật giáo tiêu biểu từ thời Lý Trần đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh Trong đó tác giả đã có hai bài với dung lượng khá lớn viết về Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài, thuộc văn học Phật giáo Thuận Quảng

“Văn bia chùa Huế (thành phố Huế) thể hiện tiến trình phát triển Phật

giáo Đàng Trong” in trong Kỷ yếu hội thảo Văn học, Phật giáo với 1000 năm

Thăng Long, tác giả Tạ Đức Tú, Võ Vinh Quang đã tìm hiểu sự phát triển Phật

giáo ở Đàng Trong qua việc phân tích văn bia, một thể loại quan trọng của văn học Phật giáo

Tháng 8 năm 2018, Hội thảo khoa học Phật giáo và văn học Bình Định

tổ chức tại Bình Định đã được các nhà nghiên cứu quan tâm và qua đó đã công bố nhiều bài viết trực tiếp đến lịch sử Phật giáo Bình Định - một vùng trong

vùng Thuận Quảng Hai tiểu ban Phật giáo và danh tăng Bình Định; Danh lam

cổ tự và di sản Hán Nôm Bình Định quy tụ 55 bài viết với hơn 800 trang sách,

in làm tập 1 trong tổng số 2 tập sách kỷ yếu Hội thảo Các tác giả đã công bố nhiều tư liệu thư tịch tại các ngôi chùa cổ đồng thời đánh giá vị trí, vai trò của các vị tổ sư danh Tăng, các ngôi chùa đối với Phật giáo Bình Định

Trang 32

Đứng từ góc độ nghiên cứu lịch sử tôn giáo, nghiên cứu tư tưởng Phật học, văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII được định hình những nét cơ bản với lịch sử nghiên cứu khá dày dặn

1.3.2 Văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII trong các công trình nghiên cứu lịch sử văn học

Nghiên cứu văn học Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII là nghiên cứu văn học mang tính vùng lãnh thổ nên vẫn chưa được quan tâm đúng mức Chính vì vậy, nghiên cứu Văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII - XIII ít được đề cập và đánh giá trong các công trình nghiên cứu lịch sử văn học Nghiên cứu văn học sử giai đoạn thế kỷ XVII - XVIII chỉ là một phần trong nền văn học Việt Nam Hơn nữa, phân kỳ văn học vẫn chưa có sự đồng nhất nên chưa thể khẳng định đặc điểm riêng của văn học Thuận Quảng Tuy nhiên từ thực tiễn biến cố lịch sử, tính chất vùng miền và số lượng tác giả tác phẩm cho thấy rằng, việc tìm hiểu đặc điểm vùng văn học Thuận Quảng là một công tác cần thiết Đứng trên góc độ nghiên cứu văn học, các nhà nghiên cứu vừa nhìn nhận văn học Phật giáo Việt Nam nói chung, văn học Phật giáo Thuận Quảng nói riêng từ các vấn đề lý thuyết văn học, vừa chú ý đến tiểu sử tác giả, tư tưởng và nội dung tác phẩm

Như chúng ta đã biết, Đàng Trong thế kỷ XVII, XVIII hình thành ba trung tâm văn học đó là trung tâm văn học Thuận Quảng, trung tâm văn học Hà Tiên và trung tâm văn học Gia Định Trong khi hai trung tâm văn học Hà Tiên và Gia Định đã có những chuyên khảo riêng biệt, như trung tâm văn học Hà

Tiên có công trình của Đông Hồ với tựa đề Văn học miền Nam - Văn học Hà

Tiên, Nhà xuất bản Quỳnh Lâm, năm 1970; trung tâm văn học Gia Định có Luận án Tiến sĩ Ngữ văn của Lê Quang Trường hoàn thành vào năm 2012 tại

trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh với tựa đề “Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam Bộ” thì ở vùng văn học Thuận Quảng vẫn chưa có một công trình riêng biệt nào đánh giá văn học Thuận Quảng, huống gì đi sâu vào dòng văn học Phật giáo ở vùng văn học tiên khởi này

Trang 33

Nhắc đến văn học Thuận Quảng - Đàng Trong thì công trình đầu tiên có

thể kể đến đó là Kiến văn tiểu lục và Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn Ông đã

chép các tác giả tác phẩm ở Thuận Quảng, trong đó có các bậc cao Tăng như Hương Hải Thiền sư, một Thiền sư nổi tiếng ở Thuận Quảng Ông đã nhận xét tình hình văn học ở đây rằng: “Hạt giống văn chương của cả một phương vẫn dằng dặc không dứt, thật là đáng khen lắm” [45, tr 69]

Bộ Hàm Long sơn chí của Điềm Tịnh cư sĩ và Như Như đạo nhân là bộ

sách vừa mang tính chất sáng tác vừa mang tính chất nghiên cứu sưu tầm tuyển chọn Tác giả đã giới thiệu cùng lời bình những tác phẩm văn học Phật giáo xứ Thuận Hóa, Quảng Nam nổi bật từ thế kỷ XVII đến XIX Bộ này được Lê

Nguyễn Lưu và Nguyễn Công Trí dịch và chú giải công bố trên Tạp chí Nghiên

cứu và Phát triển số 7 (150) - 2018 chuyên đề sử liệu Việt Nam với tựa đề

“Hàm Long sơn chí - phụ lục Đào trang tập”; số 8 (151) - 2018 với tựa đề “Hàm Long sơn chí - phụ lục Tiên Thúy động thiên ngâm sao”; số 9 (152) – 2018 với tựa đề “Hàm Lòng sơn chí quyển một – quyển hai” và số 4 (158) -2020 với tựa đề “Hàm Long sơn chí quyển ba - quyển bốn”

Năm 1965, Phạm Việt Tuyền xuất bản cuốn Văn học miền Nam thời Nam

Bắc phân tranh (các thế kỷ XVI - XVIII) Tác giả đã đi vào phân tích các tác giả

của vùng văn học Đàng Trong như Đào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh, Mạc Thiên Tích… Tuy nhiên vẫn chỉ dừng ở phương diện nội dung tư tưởng của nhà Nho chứ không dính dáng đến Phật giáo

Năm 1972, Nguyễn Văn Sâm thực hiện cuốn sách Văn học Nam Hà - Văn

học xứ Đàng Trong (Nxb Lửa Thiêng) với “tham vọng trình bày bộ mặt của văn

học miền đất từ Thuận Hóa đến Hà Tiên thời gian từ khi Nguyễn Hoàng thật sự rời đất Bắc (Canh Tý 1600) đến lúc Nguyễn Ánh lên ngôi (Nhâm Tuất 1802)” [139, tr IX] Có thể nói đây là công trình khái quát được hết diện mạo và đặc điểm của văn học Đàng Trong Tác giả nhận định Văn học Nam Hà “đặc biệt ở tư tưởng - tư tưởng của một thời có qua phân, có chiến tranh - riêng tư ở hình thức - một hình thức mới, gần với dân chúng - nên có con đường đi riêng, không giống bất cứ giai đoạn nào của lịch sử văn học Việt Nam” [139, tr 96] Nguyễn Văn Sâm đã phân tích đánh giá tác giả thuộc văn học Thuận Quảng như Đào

Trang 34

Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh, Ngô Thế Lân, Nguyễn Hữu Hào, Ngọc Hân… Các tác giả này cũng chính là lực lượng của văn học Phật giáo Thuận Quảng Mặc dù không có một đề mục cụ thể trình bày về văn học Phật giáo, nhưng qua việc phân tích các tác phẩm, Nguyễn Văn Sâm đã quan tâm đến tư tưởng Phật giáo

trong những tác phẩm của những tác giả đó Chẳng hạn phân tích tác phẩm Sãi

Vãi của Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Văn Sâm đã có hai đề mục: 1) Bài xích

những nhà tu hành giả dối; 2) Chống lại sự tu hành, lánh đời, vô ích với thực tế Đối với tác giả Ngô Thế Lân thì Nguyễn Văn Sâm đã đặt đề mục: “Ngô Thế Lân - Nhà thơ siêu thoát Thiền tông”… Điều đó cho thấy Nguyễn Văn Sâm đã chú ý đến việc vận dụng tư tưởng của Phật giáo để phân tích và đánh giá văn học Nam Hà Đây là những phác thảo bước đầu để chúng tôi đi sâu phân tích tác phẩm, đánh giá tác giả của dòng văn học Phật giáo trên vùng Thuận Quảng nói riêng và

vùng Nam Hà - Đàng Trong nói chung Nguyễn Phạm Hùng với chuyên luận Thơ Thiền Việt Nam những vấn đề

lịch sử và tư tưởng nghệ thuật (1998) đã trình bày ở chương VI – “Thơ Thiền

từ thời Lê đến thời Nguyễn” phân chia thành ba dòng thơ Đó là dòng thơ Thiền triết lý, dòng thơ Thiền trữ tình và dòng thơ Thiền thế sự Tuy nhiên đó mới chỉ là những đánh giá tổng quan chứ chưa phân tích cụ thể ba dòng thơ này trong văn học Phật giáo Thuận Quảng

Lê Mạnh Thát với Toàn Nhật Thiền sư toàn tập (1979), tái bản 2005 với nhan đề Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài gồm 2 tập đã lần lượt giới thiệu, kiến

giải về tiểu sử tác giả, đánh giá nội dung tư tưởng tác phẩm Đồng thời còn phiên âm, dịch nghĩa, chú thích toàn bộ tác phẩm của Thiền sư Toàn Nhật Đây là những căn cứ khoa học hết sức thuyết phục trong việc nghiên cứu Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài

Năm 2000, Lê Mạnh Thát tiếp tục giới thiệu Toàn tập Minh Châu Hương

Hải Tác giả đã giới thiệu tiểu sử, sự nghiệp sáng tác và khảo cứu lại toàn bộ

tác phẩm của Minh Châu Hương Hải, từ đó khẳng định đâu là tác phẩm do Minh Châu Hương Hải sáng tác, đâu là tác phẩm mà Minh Châu Hương Hải mượn của các Thiền sư Trung Quốc để thể hiện tư tưởng của mình

Trang 35

Năm 2001 - 2002, Lê Mạnh Thát giới thiệu Tổng tập văn học Phật giáo

Việt Nam Tổng tập này dự kiến rất đồ sộ bởi đến tập 3 mà chỉ mới giới thiệu

đến Thiền Uyển tập anh Trong khi đó ở phần đầu sách, Lê Mạnh Thát đã giới

thiệu tổng quan rất nhiều tác giả tác phẩm sẽ được đưa vào tổng tập Trong số đó có nhiều tác giả thuộc vùng văn học Phật giáo Thuận Quảng như Thiền sư Thích Đại Sán, Luật Truyền Diệu Nghiêm, Toàn Nhật Quang Đài, Minh Châu Hương Hải

Như chúng tôi đã giới thuyết, vì đây là văn học của một vùng nên chưa được nghiên cứu đánh giá tổng quan mà đa số những tác giả tác phẩm lớn chỉ mới được đánh giá sơ lược, đơn lẻ

Năm 1992, Lại Văn Hùng với “Trên đường nhận diện gương mặt tư tưởng

Hương Hải Thiền sư” (Tạp chí Văn học số 4) đã khẳng định vị trí của Thiền sư

Hương Hải Tác giả phân tích một cách sâu sắc những nét chính về cuộc đời và tư tưởng của Thiền sư Hương Hải thông qua các sáng tác văn chương

Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam thế kỷ X - XIX (2007) (Bùi Duy

Tân chủ biên) đã thống kê khoảng 5 bài kệ của Hương Hải và đánh giá rằng “cùng với một vài cao tăng danh tiếng khác, Hương Hải là người đóng góp công lao rất lớn trong việc phục hưng Phật giáo Việt Nam giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII Ông còn là một Thiền sư thi sĩ với khá nhiều thơ

văn kệ tụng được khắc in trong Hương Hải Thiền sư ngữ lục” [151, tr 148]

Bài viết của Cao Tự Thanh với tựa đề “Văn học Đàng Trong” in trong

công trình Văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX: Những vấn đề lý luận và lịch sử

do Trần Ngọc Vương chủ biên (2007, 2015) là một chuyên luận bàn sâu nhất về văn học Đàng Trong như một đối tượng nghiên cứu riêng biệt Cao Tự Thanh đã đi vào tìm hiểu tình hình xã hội văn hóa tư tưởng của Đàng Trong dưới thời Chúa Nguyễn và khẳng định rằng “dễ nhận ra một tình hình đặc biệt, đó là bên cạnh việc đề cao các chuẩn mực cương thường, lực lượng nòng cốt của chính quyền Đàng Trong, trong đó có các chúa Nguyễn, đều là những người sùng thượng đạo Phật” [240, tr 314] Chính vì thế mà “thiết chế tư tưởng - văn hóa chính thống mang hình thái hỗn dung Nho - Phật song hành”, “sự đan xen Nho - Thích đặc biệt này cũng tác động tới đời sống tinh thần của

Trang 36

nhiều tác giả Đàng Trong” [240, tr 318] tạo điều kiện cho dòng văn học Phật giáo có điều kiện để phát triển Tuy nhiên chuyên luận vẫn chưa đi sâu vào dòng văn học Phật giáo Đàng Trong để thấy rõ diện mạo cũng như những đặc điểm cụ thể của dòng văn học này

Trần Đình Sơn trong bài Thiên Túng đạo nhân Nguyễn Phúc Chu

(1675-1725) một tác gia văn học (năm 2014) đã giới thiệu chúa Nguyễn Phúc Chu

cùng với những tác phẩm của chúa hiện vẫn còn Tác giả nhận xét “Chính Thiên Túng đạo nhân đã khơi nguồn cảm hứng cho các nhà thơ kế tiếp như Nguyễn Cư Trinh đề vịnh mười thắng cảnh đất Quảng Nghĩa; Mạc Thiên Tích đề vịnh mười thắng cảnh Hà Tiên” [232, tr 423]

Hoàng Xuân Hãn đã biên khảo và giới thiệu Truyện Song Tinh của

Nguyễn Hữu Hào vào năm 1987, Lê Ngọc Trụ - Phạm Văn Luật sao lục, chú

thích và giới thiệu Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh vào năm 1969, Phan Hứa Thụy sưu tầm, dịch, chú thích, giới thiệu Thơ văn Nguyễn Cư Trinh năm 1989

Đây là những công trình có giá trị trong việc lưu giữ văn bản, đánh giá giá trị tác phẩm và trở thành những căn cứ khoa học cho việc nghiên cứu tác phẩm của Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Cư Trinh, những tác giả thuộc vùng Thuận Quảng ít nhiều ảnh hưởng Phật giáo

Nguyễn Q Thắng có hàng loạt công trình về văn học vùng Đàng Trong

như Quảng Nam đất nước nhân vật (1996) Nxb Văn hóa; Quảng Nam trong

hành trình mở cõi và giữ nước (2005), Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh; Văn học Việt Nam nơi miền đất mới tập 1 (2007), Nxb Văn học… đã sưu tầm, đánh

giá văn học nơi vùng đất mới này Mặc dù các công trình rất đồ sộ, song vẫn chưa thể xem là một công trình nghiên cứu về mặt lý luận mà chỉ là những công trình có giá trị trong việc cung cấp nguồn tư liệu cho việc nghiên cứu

Luận án Nghiên cứu văn bia Hán Nôm tỉnh Quảng Nam của Nguyễn

Hoàng Thân (2014, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội) đã giới thiệu đặc điểm văn bia tại Quảng Nam Tác giả cũng đã trình bày phần văn học Phật giáo Quảng Nam với những tư liệu từ văn bia Trong bài viết “Văn bia ở Quảng Nam - Đà Nẵng viết về Phật giáo”, Nguyễn Hoàng Thân đã khảo sát văn bia Phật giáo tại Quảng Nam Đà Nẵng và nhận định: “Văn bia chùa, văn bia Phật giáo Quảng

Trang 37

Nam phần lớn là văn bia công đức, trùng tu Song, trong đó vẫn phảng phất những tư tưởng, triết lý, Thiền kệ vốn uyên áo, cao thâm” [183, tr 650]

Luận án Nghiên cứu văn bia Thừa Thiên Huế của Đoàn Trung Hữu (2015,

Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội) đã khảo cứu, phiên dịch và đánh giá đặc điểm văn bia ở Thừa Thiên Huế Trong số các văn bia thì văn bia viết về Phật giáo, chùa tháp chiếm số lượng lớn Tác giả đã đánh giá giá trị nội dung của văn bia, khẳng định một thể loại văn học liên quan đến Phật giáo xứ Huế

Luận án Văn học Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII - XIX của Nguyễn Thị

Việt Hằng (2015, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội) đã tìm hiểu tổng quan về văn học Phật giáo Việt Nam Tác giả nhận xét: “văn học Phật giáo thế kỷ XVII-XIX không phải là một mảng thành tựu rực rỡ như thời Lý Trần Tuy nhiên, từ việc tiếp thu và phản ánh tư tưởng Phật giáo từ tuyền thống đã đưa văn học Phật giáo hòa chung vào nguồn mạch văn học trung đại đang phát triển đến mức đỉnh cao trên mọi phương diện” [60, tr 149] Tác giả đã điểm qua và phân tích những tác phẩm của các Thiền sư nổi tiếng ở vùng Thuận Quảng thuộc giai đoạn này như Toàn Nhật Quang Đài, Minh Châu Hương Hải Tuy nhiên còn nhiều tác giả văn học Phật giáo khác thuộc giai đoạn này ở vùng Thuận Quảng vẫn chưa được tác giả Luận án đề cập và đánh giá

Thực hiện Luận án của mình, Nguyễn Thị Việt Hằng đã công bố nhiều bài báo nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII - XIX về cả tổng thể lẫn tác gia tác phẩm giai đoạn này Chẳng hạn như “Toàn Nhật Thiền sư -

nhà tư tưởng lớn của văn học Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII - XIX”, Đề tài

khoa học cấp trường nghiệm thu ngày 7/5/2015; “Ngôn ngữ thơ Nôm trong tác

phẩm „Sự lý dung thông‟ của Hương Hải Thiền sư”, Tạp chí Ngôn ngữ đời

sống, số 3/2012; “Nhìn lại văn học Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII-XIX trong

hành trình văn học trung đại”, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 12/2012; “Tư tưởng Phật giáo trong sáng tác của Toàn Nhật Thiền sư”, Tạp chí Khoa học

trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2, số 32, ra tháng 8/2014; “Quan niệm „dung

hòa tam giáo‟ trong văn học Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII-XIX”, Tạp chí

Nhân học Khoa học xã hội số 2/2015; “Hệ thống ngôn từ chuyển tải tư tưởng

Phật giáo trong văn học Việt Nam thế kỉ XVII-XIX”, Kỷ yếu Hội thảo Ngôn

Trang 38

ngữ ở Việt Nam hội nhập và phát triển, 2017 Đây là những nghiên cứu tạo tiền

đề cho chúng tôi tiếp tục nghiên cứu

Năm 2015, Nguyễn Phạm Hùng công bố chuyên luận Văn học Phật giáo

Việt Nam Đây là công trình chi tiết về văn học Phật giáo Việt Nam Tác giả

tiếp cận văn học Phật giáo theo quan điểm thể loại Ở chương 3 với tựa đề “Cơ sở lịch sử xã hội của văn học Phật giáo Việt Nam thời cổ trung đại”, tác giả đã trình bày cơ sở lịch sử của văn học Phật giáo thời Lê - Nguyễn Tuy nhiên, tác giả chỉ trình bày tổng quát chứ chưa đi sâu vào văn học Phật giáo vùng Đàng Trong - Thuận Quảng Đi vào cụ thể từng thể loại văn học Phật giáo, Nguyễn Phạm Hùng cũng chỉ nêu ra một vài tác phẩm và tác giả thuộc thời Lê - Nguyễn mà các tác giả, tác phẩm này thuộc về xứ Thuận Quảng chứ chưa có cái nhìn toàn diện và đánh giá đúng mức văn học Phật giáo Thuận Quảng trong hai thế kỷ XVII - XVIII

Luận án Tiến sĩ Văn học Đàng Trong thế kỷ XVII - XVIII trong tiến trình

phát triển của văn học dân tộc của Trần Thanh Thủy (2017, Trường Đại học

Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) đã khảo cứu và đưa ra những đặc điểm của văn học Đàng Trong Khi đánh giá văn hóa và xã hội Đàng Trong thế kỷ XVII - XVIII, Trần Thanh Thủy đã chỉ ra việc hình thành một nét mới trong đời sống văn hóa “từ chỗ „hữu Phật phi Nho‟ giai đoạn đầu, dần chuyển sang hình thái hỗn dung Nho Thích song hành, phát triển theo hướng „cư Nho mộ Thích‟ […] Xu thế „cư Nho mộ Thích‟ ngày càng mạnh mẽ trong đời sống văn hóa - tư tưởng của chính quyền Đàng Trong” [203, tr 39] Tác giả Luận án đã điểm qua các nhân vật - tác giả Đàng Trong như các chúa Nguyễn, khai quốc công thần Nguyễn Hữu Dật, tứ triều nguyên lão Trần Đình Ân, Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Cư Trinh, Ngô Thế Lân… và cho rằng các tác giả này đều có tâm ý lấy Thiền học - Phật giáo để di dưỡng tinh thần Tuy nhiên Trần Thanh Thủy triển khai Luận án của mình theo hướng so sánh với Đàng Ngoài nên chỉ đề cập đến những tác giả góp phần trong lực lượng sáng tác chứ chưa đi sâu vào việc phân tích tác phẩm văn học Phật giáo

Trong công trình Văn học Việt Nam thời Lê Mạc, Nam Bắc phân tranh

(2018), Nguyễn Công Lý đã khái quát văn học Việt Nam giai đoạn lịch sử đầy

Trang 39

biến động của thế kỷ XVI, XVII, XVIII Công trình trình bày gồm bốn chương: 1, Tổng quan về văn học Việt Nam thời Lê Mạc, Nam Bắc phân tranh; 2, Những khuynh hướng chủ yếu trong văn học thời Lê Mạc, Nam Bắc phân tranh; 3, Hệ thống thể loại văn học thời Lê Mạc, Nam Bắc phân tranh; 4, Những tác gia tiêu biểu của văn học thời thời Lê Mạc, Nam Bắc phân tranh Trong đó, tác giả đã trình bày “Những tác gia tiêu biểu của văn học Đàng Trong thế kỷ XVI - XVII” ở mục 4.9 và “Những tác gia tiêu biểu của văn học Phật giáo” ở mục 4.10 Việc trình bày một giai đoạn văn học Việt Nam như trên chứng tỏ tác giả đã có sự quan tâm đến văn học vùng Thuận Quảng, văn học Phật giáo vùng Thuận Quảng nhưng chưa nhiều

Năm 2018, Hội thảo khoa học Phật giáo và văn học Bình Định được tổ chức

tại Bình Định đã quy tụ hơn 100 bài viết của các nhà nghiên cứu viết về Phật giáo và văn học Bình Định Hội thảo đã đánh giá tổng quát toàn diện nền văn học Phật giáo Bình Định, cũng chính là một bộ phận trong văn học Thuận Quảng Các bài

viết như “Cảm quan Phật giáo trong Tư Dung vãn của Đào Duy Từ” của Nguyễn

Công Lý, “Phật giáo với vùng văn học Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII” của Phan Thạnh Nguyễn Công Lý đã khẳng định Đào Duy Từ “không chỉ là một trong vài tác giả cắm cái mốc mở đầu cho văn học Đàng Trong, đặc biệt là văn học Nôm, mà còn là tác giả mở đầu viết về cảm hứng Thiền Phật của văn học nơi vùng đất mới, tạo tiền đề cho bộ phận văn học Phật giáo nơi đây về sau tiếp tục khơi dòng và phát triển” [120, tr 49]

Bài viết của chúng tôi tại Hội thảo với đề tài “Phật giáo với vùng văn học Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII”1 đã đánh giá vai trò của Phật giáo trong việc hình thành nên một dòng văn học Phật giáo Thuận Quảng, góp phần tiếp nối và hoàn thiện dòng chảy của văn học Phật giáo Việt Nam trên cả hai phương diện là đồng đại và lịch đại Trong bài viết “Dấu ấn tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm Yên

Tử trong văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII” in trong Trần Nhân

1

Phan Thạnh (2018), “Phật giáo với vùng văn học Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII”, In trong

Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo và văn học Bình Định tập 2, Nxb Khoa học xã hội, tr

50-67

Trang 40

Tông và Phật giáo Trúc Lâm - Đặc sắc tư tưởng, văn hóa1, chúng tôi đã đề cập đến những ảnh hưởng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đối với tư tưởng vùng Thuận Quảng nói chung và văn học Phật giáo Thuận Quảng nói riêng

Tiểu kết

Hai hướng nghiên cứu trên cho thấy rằng Phật giáo và văn học Thuận Quảng đã được các nhà nghiên cứu hết sức quan tâm Hầu hết đều hướng tới khẳng định vai trò và vị trí của tác giả cho tôn giáo, triết học, văn học nước nhà Tuy nhiên, các công trình vẫn chỉ là những nghiên cứu chuyên biệt về một khía cạnh của văn học Phật giáo Thuận Quảng, chưa có một công trình nào trình bày đầy đủ và làm rõ những đặc điểm của văn học Phật giáo Thuận Quảng giai đoạn thế kỷ XVII-XVIII Những kết quả nghiên cứu trên của các nhà nghiên cứu chính là nền tảng đầu tiên và cũng là những gợi mở để chúng tôi triển khai đề tài

1

Phan Thạnh (2019), “Dấu ấn tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong văn học Phật giáo

Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII” in trong Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm-Đặc sắc

tư tưởng, văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 957-969

Ngày đăng: 02/09/2024, 21:22

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

  • Đang cập nhật ...

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w