Bao thanh toán dưới góc nhìn của kế toán (Số 8/2005) BAO THANH TOÁN DƯỚI GÓC NHÌN CỦA KẾ TOÁN Lê Anh Xuân Bao thanh toán được đánh giá là một trong những nghiệp vụ mới đầy tiềm năng của các ngân hàng thương mại, một kênh hỗ trợ vốn đắc lực đối với các tổ chức kinh tế. Trước xu hướng này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN ngày 06/9/2004 v/v Ban hành Quy chế hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng (TCTD). Ngay sau đó, một số TCTD đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện nghiệp vụ bao thanh toán. Bản chất của nghiệp vụ bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng cho bên bán hàng thông qua việc mua lại các khoản phải thu phát sinh từ việc mua bán hàng hoá đã được bên bán hàng và bên mua hàng cam kết trong hợp đồng mua bán hàng hoá. Theo đó, quy trình bao thanh toán được thực hiện như sau: Sau khi bên bán hàng và bên mua hàng tiến hành các nghiệp vụ mua bán hàng hoá với hình thức thanh toán trả chậm, bên mua tiếp xúc với đơn vị bao thanh toán (ngân hàng, TCTD) để đi đến thoả thuận thực hiện nghiệp vụ bao thanh toán. Bên mua và ngân hàng ký hợp đồng bao thanh toán và tiến hành gửi thông báo đến cho bên mua. Khi bên mua nhận được thông báo này và gửi hồi đáp chấp nhận, cam kết thanh toán cho ngân hàng theo hợp đồng bao thanh toán, ngân hàng tiến hành giải ngân cho bên mua. Đến cuối thời hạn hợp đồng bao thanh toán, ngân hàng tiến hành thu nợ và tất toán hợp đồng bao thanh toán. Thông qua những nét phác thảo trên về bao thanh toán, chúng ta dễ dàng nhận ra những đặc tính ưu việt của nghiệp vụ này. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tài sản trong hoạt động của nghiệp vụ này, dưới góc nhìn của kế toán, chúng tôi xin đưa ra một số khuyến nghị về công tác kế toán đối với nghiệp vụ này. Một số nguyên tắc trong quá trình hạch toán kế toán nghiệp vụ bao thanh toán - Bao thanh toán phải được ghi nhận như một khoản cấp tín dụng thông thường (hạch toán kế toán vào tài khoản loại 2 – Hoạt động tín dụng). - Tiền lãi trên số tiền ứng trước cho bên bán hàng được tính theo nguyên tắc cộng dồn (lãi dự thu). - Phí dịch vụ phát sinh trong nghiệp vụ này phải được phân bổ vào thu nhập trong (các) kỳ của nghiệp vụ bao thanh toán. - Dưới góc nhìn của kế toán, về cơ bản không có sự khác nhau giữa bao thanh toán truy đòi và bao thanh toán miễn truy đòi. Điểm khác biệt lớn nhất là đối tượng theo dõi để thu nợ ghi trên tài khoản hoạt động tín dụng. - Nghiệp vụ đồng bao thanh toán được nhìn nhận dưới góc độ kế toán tương tự như nghiệp vụ đồng tài trợ (việc hạch toán kế toán nghiệp vụ này, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 1484/CV-KTTC2 ngày 27/10/2003 v/v Hướng dẫn hạch toán kế toán nghiệp vụ đồng tài trợ). Một số đề xuất về hạch toán kế toán bao thanh toán: Với những nguyên tắc nêu trên, việc hạch toán kế toán nghiệp vụ bao thanh toán có thể được chia làm 2 hình thức như sau: - Bao thanh toán có quyền truy đòi và - Bao thanh toán miễn truy đòi. Bao thanh toán có quyền truy đòi Khi đơn vị bao thanh toán có quyền đòi lại số tiền đã ứng trước cho bên bán hàng trong trường hợp bên mua hàng không có khả năng thanh toán nên đối tượng hạch toán trên tài khoản cho vay là Bên bán hàng. - Trường hợp áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn cho hoạt động bao thanh toán như: tài sản cầm cố, thế chấp,… kế toán thực hiện theo dõi ngoại bảng: Nhập / Xuất TK 994 “Tài sản thế chấp, cầm cố của khách hàng”. - Khi TCTD nhận được văn bản xác nhận và cam kết của bên mua hàng, tiến hành nhận các giấy tờ liên quan, ứng tiền cho bên bán hàng theo thoả thuận trong hợp đồng bao thanh toán, kế toán ghi: Nợ TK Cho vay thích hợp (hạch toán chi tiết: Bên nợ là bên bán hàng) Có TK thích hợp: Tiền mặt/ Chuyển khoản… - Việc ghi nhận các khoản phí từ dịch vụ bao thanh toán được tiến hành như sau: * Trường hợp TCTD tiến hành thu phí một lần ngay khi thực hiện nghiệp vụ này, kế toán căn cứ chứng từ thu tiền và hạch toán: Nợ TK thích hợp: Tiền mặt, tiền gửi,… Có TK 488 “Doanh thu chờ phân bổ”: tổng số tiền về phí dịch vụ. Định kỳ, kế toán phân bổ dần số phí này vào tài khoản thu nhập thích hợp trong (các) kỳ: Nợ TK 488 “Doanh thu chờ phân bổ”: Số tiền phân bổ cho (các) kỳ. Có TK 711 “Thu từ dịch vụ thanh toán” * Trường hợp TCTD thu phí định kỳ, kế toán căn cứ vào chứng từ thu tiền để ghi: Nợ TK thích hợp: Tiền mặt, tiền gửi,… Có TK 711 “Thu từ dịch vụ thanh toán” * Trường hợp thu phí cuối kỳ: định kỳ, ngân hàng tiến hành tính ra số phí phải thu: Nợ TK 359 “Các khoản phải thu khác” Có TK 711“Thu từ dịch vụ thanh toán” - Lãi phải thu trên số tiền đã ứng trước cho bên mua được ghi nhận định kỳ, kế toán căn cứ chứng từ hoặc phiếu thu, hạch toán: Nợ TK 394 “Lãi phải thu từ hoạt động tín dụng” (tài khoản cấp III thích hợp). Có TK 702 “Thu lãi cho vay” - Đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng bao thanh toán: chuyển nợ quá hạn và tất toán hợp đồng bao thanh toán * Nếu bên mua thanh toán theo hợp đồng bao thanh toán, căn cứ chứng từ thu, phiếu chuyển khoản,… kế toán tiến hành hạch toán: Nợ TK thích hợp: Tiền mặt, tiền gửi, … Có TK 469 “Các khoản phải trả khác” Đồng thời, chuyển số tiền thu được sang tất toán Hợp đồng bao thanh toán, kế toán căn cứ phiếu hạch toán và các chứng từ khác liên quan để hạch toán: Nợ TK 469 “Các khoản phải trả khác” Có TK 394 “Lãi phải thu từ hoạt động tín dụng” Có TK 359 “Các khoản phải thu khác” Có TK Cho vay thích hợp Có TK thích hợp (số tiền còn lại trả cho bên bán) * Nếu bên mua không có khả năng thanh toán số nợ cho đơn vị bao thanh toán, đơn vị bao thanh toán thông báo cho bên bán và yêu cầu bên bán thanh toán cho đơn vị bao thanh toán theo điều khoản truy đòi. + Nếu bên bán hàng đồng ý thanh toán và thực hiện thanh toán cho đơn vị bao thanh toán, kế toán hạch toán: Nợ TK thích hợp: Tiền mặt,… Có TK 394 “Lãi phải thu từ hoạt động tín dụng” Có TK 359 “Các khoản phải thu khác” Có TK Cho vay thích hợp + Nếu bên bán hàng không thanh toán theo hợp đồng, TCTD tiến hành chuyển nợ quá hạn và sử dụng các biện pháp tận thu nợ: Nợ TK nợ quá hạn tương ứng Có TK Cho vay thích hợp (Bên bán hàng) Đồng thời, theo dõi ngoại bảng đối với số lãi dự thu. Bao thanh toán miễn truy đòi: Do khi thực hiện hình thức này, bên bán hàng đã chuyển toàn bộ rủi ro và cơ hội cho đơn vị bao thanh toán nên đối tượng theo dõi để tận thu nợ hạch toán trên tài khoản cho vay là bên mua hàng - Tiến hành theo dõi ngoại bảng đối với những tài sản thế chấp, cầm cố, v.v… như đối với bao thanh toán có quyền truy đòi. - Khi TCTD giải ngân cho bên bán, kế toán ghi: Nợ TK Cho vay thích hợp (hạch toán chi tiết: Bên nợ là bên mua hàng) Có TK thích hợp: Tiền mặt/Chuyển khoản…: Số tiền ứng trước cho bên bán - Các bút toán về việc thu phí và lãi được thực hiện tương tự như đối với hạch toán kế toán hình thức bao thanh toán có quyền truy đòi. - Đến hạn thanh toán theo hợp đồng: * Nếu Bên mua hàng thực hiện thanh toán theo hợp đồng bao thanh toán, kế toán hạch toán: Nợ TK thích hợp: Tiền mặt, chuyển khoản… Có TK 394 “Lãi phải thu từ hoạt động tín dụng” Có TK 359 “Các khoản phải thu khác” Có TK Cho vay thích hợp Có TK thích hợp (số tiền còn lại trả cho bên bán) * Nếu bên mua hàng không có khả năng thanh toán, ngân hàng tiến hành chuyển nợ quá hạn, bút toán thực hiện như với việc chuyển nợ quá hạn của nghiệp vụ bao thanh toán truy đòi và tiếp tục sử dụng các biện pháp để tận thu nợ. Bao thanh toán là một nghiệp vụ còn tương đối mới trong hoạt động của các TCTD Việt Nam. Thời gian vừa qua, mới chỉ có một số ít TCTD được cấp phép thực hiện nghiệp vụ này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa thực sự quan tâm tới công cụ này, tuy nhiên, với những đặc tính ưu việt của nghiệp vụ này, chúng tôi tin rằng bao thanh toán sẽ là một công cụ hỗ trợ vốn đắc lực cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngày 21/09/2005